Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Trump tại G20: Đừng kỳ vọng sự đột phá
“Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào cuối tháng 6 tới tại Nhật Bản, trong hội nghị Thượng đỉnh G20, và tôi hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ đem đến những tin tức tích cực” - ông Đới Thương Long, Cựu Thống đốc Ngân hàng TW Trung Quốc phát biểu trong một cuộc hội thảo công nghệ tại Bắc Kinh.
“Tuy nhiên, bất kỳ đột phá nào đều không dễ xảy ra. Rất khó để Mỹ nhìn lại tình hình và nhận ra những sai lầm của Tổng thống Trump”. Ông Đới Tương Long hiện là phó chủ tịch Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Bắc Kinh.
Trước đó, hôm 30/5, Phó Tổng thống Mỹ, ông Mike Pence cũng nói trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Canada Justin Trudeau, rằng ông hy vọng vào một cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng Trung Quốc phải đồng ý thỏa hiệp và thay đổi, nguồn tin từ Reuters.
Nhiều nhà phân tích cũng bày tỏ sự không lạc quan vào dấu hiệu đột phá trong cuộc thương chiến kéo dài gần một năm giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mà căng thẳng ngày càng leo thang sau hàng loạt động thái cứng rắn từ Washington cùng sự đáp trả của Bắc Kinh.
Đừng kỳ vọng vào một sự đột phá chấm dứt tình hình bế tắc hiện tại khi Tập Cận Bình gặp Donald Trump tại G20
Trả lời giới truyền thông hôm 30/5, Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định lệnh trừng phạt thuế quan mà ông áp lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD đang gây tổn thất nặng nề cho phía Trung Quốc. Và Bắc Kinh đang rất nóng lòng cho một thỏa thuận thương mại thống nhất.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang làm rất tốt trong trường hợp của Trung Quốc. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ có thể tiết lộ, Trung Quốc đang rất mong chờ một thỏa thuận, vì các công ty nước ngoài đang ra khỏi thị trường này trong nỗ lực tránh mức trừng phạt thuế quan của Mỹ” - ông Trump tự tin.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc phát biểu trên sóng CCTV Quốc gia rằng tác động của lệnh trừng phạt thuế quan đến nền kinh tế nước này là rất nhỏ, và Bắc Kinh có thể kiểm soát mọi động thái trên thị trường. Việc Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ và đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm mới đây hoàn toàn không cho thấy một dấu hiệu thỏa hiệp hay nóng lòng chờ mong thỏa thuận thương mại như ông Trump tuyên bố.
Cùng với đó, các quan chức Trung Quốc cũng liên tục lên tiếng chỉ trích chính sách cố tình kích động chiến tranh thương mại của Mỹ, họ gọi đây là “sự khủng bố kinh tế trần trụi, bắt nạt kinh tế”. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không bao giờ chịu khuất phục, và Washington cần thể hiện sự tôn trọng, chân thành nếu muốn quay trở lại bàn đàm phán.
Việc ông Tập Cận Bình đi thăm nhiều nhà máy sản xuất đất hiếm trong tuần này cũng là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã từ bỏ hy vọng về thỏa thuận thương mại và đang chuẩn bị những đòn đáp trả cho một cuộc xung đột lâu dài.