Chung cư không để xe dưới hầm thì để đâu?
Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề xuất về việc các nhà chung cư không thiết kế để xe dưới tầng hầm, vì mỗi xe như một bình xăng, cả tầng như một kho xăng, khi va chạm sẽ gây cháy nổ.
Bắt buộc chung cư xây trong nội đô phải có 3 tầng hầm
Nổi tiếng với 2km đường gánh 40 cao ốc, trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội) từ lâu đã thành điểm nóng bất động sản ở thủ đô với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Tuyến đường này bị bóp nghẹt bởi hàng chục nghìn dân từ 6.000 căn hộ nên hầu hết chung cư tại tuyến đường này đều xây từ 2 tới 3 tầng hầm.
Tại chung cư The Golden Palm, có tới 405 căn hộ nhưng chỉ có 2 tầng hầm làm bãi đỗ xe cho 200 xe ôtô nên tranh chấp về bãi đỗ xe liên tục diễn ra trong thời gian dài. Tại dự án chung cư khác tại khu vực ngoại thành, khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) này có 6 toà nhà, mỗi toà cao 32 tầng nhưng cũng chỉ có một tầng hầm để xe duy nhất. Theo cư dân khu dân cư Đại Thanh, do chỉ có 1 tầng hầm nên Ban quản lý chỉ cho cư dân để xe máy.
“Những nhà có ôtô phải tìm bãi gửi ở ngoài cách xa khoảng 1 đến 2km. Nếu không gửi ngoài thì chỉ có cách để xe ngoài trời, mất thì phải chịu”, anh Tuấn Anh, cư dân ở khu vực này nói.
Theo quy định của Bộ Xây dựng từ năm 2013, đối với chung cư nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe, kể cả đường nội bộ trong nhà để xe.
Tuy nhiên với Hà Nội, quy định này cũng không đáp ứng đủ chỗ gửi xe cho cư dân. Bởi vậy, từ năm 2017, UBND TP.Hà Nội ban hành thông báo Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Thông báo hướng dẫn việc những công trình cao tầng trong nội đô tối thiểu phải có 3 tầng hầm để xe được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đưa ra, tại kỳ họp HĐND sau đó, đề xuất này được xem xét và thông qua.
Hướng dẫn nêu rõ với những công trình hỗn hợp trong nội đô lịch sử, cứ 100m2 sàn sử dụng thì sẽ phải có 34m2 đỗ xe; ở khu vực nội đô mở rộng là 27m2. Nếu so với quy định của tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, có thể nói Hà Nội đã nới diện tích đỗ xe lên rất nhiều.
Ông Bùi Văn Hải, một chủ đầu tư đang xây dựng chung cư tại quận Hà Đông - cho biết, các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định hồ sơ thiết kế rất chặt chẽ theo hướng dẫn của UBND TP.Hà Nội. “Ở Hà Đông muốn xây chung cư thì mặt sàn 100m2 thì phải 27m2 để xe, nếu thiết kế không đúng Sở bắt làm lại. Vậy nên, các chung cư mới phải xây dựng tới 3 tầng hầm. Thi công tầng hầm kéo dài dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ, giá thành xây tầng hầm gấp 3 tầng nổi. Không ai muốn làm nhiều tầng hầm làm gì nhưng quy định thì phải theo”, ông Hải nói.
Tuyến đường Lê Văn Lương chỉ chưa đầy 2km có tới 40 cao ốc mọc lên, người dân không gửi xe ở hầm chung cư thì sẽ không biết gửi ở đâu. Ảnh T.C.
Không chủ quan nhưng đừng quá lo
Cũng theo ông Bùi Văn Hải, khi xây dựng chung cư cao tầng, chủ đầu tư phải làm hồ sơ thiết kế gửi Cục Giám định chất lượng Nhà nước về công trình xây dựng, và phải được Cục này thẩm định cho phép xây dựng. Ngoài ra, một bộ hồ sơ về thiết kế Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cũng được gửi lên Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) để thẩm định. “Hồ sơ gửi lên phải đảm bảo an toàn PCCC, khi thi công Cảnh sát PCCC cũng xuống giám sát, đến khi hoàn thiện công trình phải Cảnh sát PCCC cũng làm nghiệm thu an toàn PCCC cho công trình. Khi có nghiệm thu PCCC thì chủ đầu tư mới được đưa dân với ở”, ông Hải nói.
Trong khi đó, nhận định với PV Lao Động về lo lắng cháy nổ hầm chung cư, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chung cư cao tầng đã quy định rất rõ việc chủ đầu tư phải thiết kế phương án an toàn cháy nổ với tầng hầm.
“Việc đại biểu Quốc hội lo ngại về nguy cơ cháy nổ hầm chung cư đúng là không thể chủ quan. Tuy nhiên, phải khẳng định, công trình chung cư hay hầm chung cư thì thi công phải có tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì nguy cơ cháy nổ chung cư, kể cả hầm chung cư đã được hạn chế rất nhiều. Cháy nổ hầm chung cư không chủ quan nhưng không cần lo lắng quá. Không thể chỉ vài trường hợp như chung cư Carina ở TPHCM cháy hầm chung cư mà cấm sử dụng hầm chung cư làm chỗ gửi xe”, TS Trần Chủng nói.
Theo Sở GTVT Hà Nội, các điểm đỗ xe hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% còn lại chủ phương tiện phải tự lo như gửi ở cơ quan, trường học, hè phố. Sau hàng loạt phương án như: Đỗ xe dưới lòng đường từ dọc sang chéo, xây bãi để xe cao tầng tự động, đỗ ôtô theo ngày chẵn ngày lẻ, đỗ xe một bên đường... đến nay các phương án đều không hiệu quả, chỗ đỗ xe vẫn là nhu cầu cấp bách của nhiều người.