“Đề xuất không để xe trong tầng hầm là ấu trĩ”

15/11/2019 09:24 GMT+7
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, đề xuất "không để xe trong tầng hầm nhà cao tầng" của Đại biểu Quốc hội vừa qua là ấu trĩ và không khả khi.

Tại phiên thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 – 2018, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã nêu lên thực trạng, công tác PCCC cũng như đề xuất nhiều kiến nghị. Trong đó, đại biểu kiến nghị việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu đưới tầng ngầm. Vì mỗi xe như một bình xăng, cả tầng như một kho xăng. Khi gây cháy thì khó để chữa, không những gây chết người mà còn gây xuống cấp nghiêm trọng khu chung cư sau khi vụ cháy xảy ra.

Đề xuất không để xe trong tầng hầm nhà cao tầng của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng, phần lớn ý kiến chia sẻ cho rằng, đề xuất trên là khó khả quan.

Trao đổi với PV Dân Việt, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành Nguyễn Văn Đực - một chuyên gia từng có nhiều ý kiến phản biện trong lĩnh vực bất động sản nhận định: “Tôi thấy đề xuất không để xe dưới tầng hầm nhà cao tầng là vô lý và một cái nhìn hết sức ấu trĩ. Bởi, chúng ta không thể nhìn vào một số cái tầng đã bị cháy để cấm hết tất cả tầng hầm không cháy”.

“Đề xuất không để xe trong tầng hầm là ấu trĩ” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành.

Giải thích thêm về nhận định trên, ông Đực lấy ví dụ: “Nếu thấy máy bay bị tai nạn, chúng ta không bao giờ đi máy bay nữa. Điều này rất là vô duyên”. Đề xuất không để xe ở tầng hầm là đang đi ngược xu thế.

Đặt thêm giả định về vấn đề này, ông Đực cho rằng, nếu đề xuất không để xe dưới tầng hầm chung cư đi vào thực tế, lượng xe “khổng lồ” của người dân sẽ để đâu, trong khi đất đô thị ngày càng hạn hẹp. “Chúng ta không thể bố trí được các bãi đất trống quy mô lớn để làm chỗ đỗ xe trong các khu đô thị được. Điều đó là quá khó".

Ngoài ra, theo ông Đực, theo xu hướng hiện đại, tất cả đô thị có cao ốc đều phải bố trí hầm gửi xe. Thậm chí là 1 tầng hầm, 5 tầng hầm và cả 10 tầng hầm. Ở nhiều nơi, tầng hầm là cuộc sống của đô thị, người ta không chỉ bố trí tầng hầm làm chỗ để xe mà còn làm các dịch vụ kinh doanh, giải trí khác.

“Thay vì cấm để xe tầng hầm, thì chúng ta cần phải có các quy định để làm sao tầng hầm phải thông thoáng, làm sao tầng hầm không bị cháy. Và, nếu có bị cháy thì chỉ gây thiệt hại về tài sản chứ không thiệt hại về người, chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Đây mới là toà nhà giải quyết vấn đề xe cộ ở đô thị”, ông Đực nhấn mạnh.

“Đề xuất không để xe trong tầng hầm là ấu trĩ” - Ảnh 2.

Không để xe trong các tầng hầm nhà cao tầng thì số lượng xe ô tô khổng lồ của cư dân sẽ để ở đâu?

Trao đổi thêm về vấn đề an toàn PCCC, vị chuyên gia này cũng nhận định, quy định PCCC chưa tuyệt đối, nhưng hoàn toàn thiết thực. “Muốn chặt chẽ trong an toàn PCCC, đòi hỏi chủ đầu tư dự án phải hết sức thông minh. Khi thiết kế thi công xây dựng cần có những ý tưởng hay hơn quy định. Tiếp đó, khi được bàn giao và vận hành, cư dân và Ban quản trị toà nhà cần thường xuyên tổ chức kiểm tra. Chính quyền phải kiểm soát… thì công tác an toàn PCCC trong tầng hầm cũng như cả toà nhà chung cư mới được đạt được hiệu quả tích cực nhất”, ông Đực chia sẻ.

Bên cạnh các ý kiến của chuyên gia, ở góc độ người dân, nhiều cư dân chung cư đều không tin tưởng tính khả quan của đề xuất trên. “Bao nhiêu năm nay, cơ quan chức năng, chủ đầu tư có giải quyết được việc thiếu chỗ để xe tại các chung cư đâu. Giờ cấm không để xe trong tầng hầm, áp lực cho hạ tầng phía ngoài sẽ như thế nào? Hàng nghìn cư dân toàn nhà sẽ bị ảnh hưởng”, chị Nguyễn Khánh Vân – cư dân toà nhà chung cư trên đường Hoàng Đạo Thuý, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, hiện nay có ba luật liên quan đến công tác PCCC là Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Nhà ở. Đồng thời, cũng có nhiều nghị định, thông tư về vấn đề này. "Trong những văn bản này đã có những quy định hết sức cụ thể về các khâu trong xây dựng, như phê duyệt dự án, kỹ thuật, kiểm tra hệ thống PCCC… Đặc biệt, trong Luật Nhà ở có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư về PCCC", Bộ trưởng cho hay.

Tuy vậy, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Đặc biệt, còn nhiều bất cập ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình…

Việc nghiên cứu có sử dụng tầng hầm làm nơi đỗ xe hay không, Bộ trưởng cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn về PCCC… "Hiện nay, ở Việt Nam đã đủ sức thiết kế công trình đến 100 tầng, vì vậy cần bổ sung một số quy định quy chuẩn liên quan về công trình này, hay thêm quy định về các công trình đa năng, hỗn hợp…Chúng tôi sẽ tổng hợp lại quy chuẩn, tiêu chuẩn để dễ tra cứu, áp dụng, đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm PCCC, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp. Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên PCCC, tài sản, tính mang con người là trên hết”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Dân Việt
Cùng chuyên mục