Chứng khoán Châu Á tăng nóng sau diễn biến hòa hoãn Mỹ - Trung
Thị trường chứng khoán Châu Á đã chứng kiến nhiều mức tăng trong phiên giao dịch sáng 1.7 sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán thương mại, đình chỉ mọi trừng phạt thuế quan.
Trên thị trường đại lục, cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh trong phiên giao dịch sớm khi Shanghai Composite tiến 1,74% còn Shenzhen Component tăng vọt 2,65%.
Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong giảm nhẹ 0,28% do tình hình các cuộc biểu tình liên quan đến luật dẫn độ.
Chỉ số Nikkei 225 tiến 1,64% trong khi chỉ số Topix tiến 1,46% tại Nhật Bản sau một kỳ Hội nghị thượng đỉnh G20 đầy hứa hẹn.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 0,1% khi giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip SK Hynix tăng hơn 0,5%. Chỉ số ASX 200 của Úc cũng tăng 0,58%.
Giá dầu tăng vọt sáng 1.7 trong phiên giao dịch trên thị trường Châu Á. Giá dầu thô Brent tăng 1,98% lên mức 66,02 USD / thùng. Hợp đồng tương lai dầu WTI tăng 2,02% lên mức 59,65 USD / thùng. Tại cuộc gặp gỡ bên lề G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu trong khoảng 6 đến 9 tháng tiếp theo, ngay trước thềm phiên họp của OPEC+.
Không cần chờ đến phiên họp OPEC+, Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu
Sau cuộc gặp gỡ tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 29.6 tại Osaka, cả hai bên đều xác nhận không có kế hoạch trừng phạt thuế quan nào trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nhận định đây dường như chỉ là một sự “tạm hoãn không chắc chắn” khi không có một con đường rõ rệt nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc sắp đi đến thỏa thuận thương mại.
Mối đe dọa thuế quan về dài hạn là vẫn còn, Huawei vẫn nằm trong danh sách đen dù được cho phép nhập khẩu một số linh kiện công nghệ Mỹ. Thị trường hiện vẫn chưa thể lạc quan quá nhiều cho đến khi một thỏa thuận đầy đủ, cụ thể được đưa ra.
Dữ liệu từ một hoạt động khảo sát riêng hôm 1.7 cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 6 đã chứng kiến sự suy giảm thấp nhất từ hồi đầu năm nay. Chỉ số quản lý thu mua PMI Caixin/Markit trong tháng 6 chỉ đạt 49,4%, thấp hơn mức dự kiến 49,5 của Reuters.
Trong lĩnh vực tiền tệ, những diễn biến bên lề G20 đã có tác động lớn khi chỉ số US Dollar đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 loại tiền tệ phổ biến khác tăng lên mức 96.348. Tỷ giá USD/NDT hiện giao dịch ở mức 6,8499 so với mức 6,87 hồi tuần trước. Tỷ giá USD/JPY hiện suy yếu xuống 108,12 so với mức 107,0 vào cuối tháng 6.