Chứng khoán Mỹ bùng nổ trước lối thoát mới cho thương chiến Mỹ - Trung
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh hôm 18.6 sau khi Donald Trump xác nhận trên Twitter về cuộc gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 - làm dấy lên hy vọng một thỏa thuận thương mại. Niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay cũng thúc đẩy các chỉ số chứng khoán tăng đầy triển vọng.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tiến 353,01 điểm lên 26.465,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1% lên 2.917,75 trong khi chỉ số tổng hợp NASDAQ tăng 1,4% lên 7.953,88. Như vậy, chỉ số S&P 500 hiện đang tiến rất gần với mức cao nhất mọi thời đại là 2.954,13 mà thị trường đạt được hôm 1.5.
Sáng 18.6 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter vừa có cuộc điện đàm “tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28-29.6 tới đây. Cổ phiếu ngành công nghiệp con chíp sau đó đã tăng vọt do kỳ vọng chiến tranh thương mại kết thúc. Chứng chỉ quỹ Vector VanEck tăng hơn 4% nhờ sự bứt tốc của cổ phiếu Nvidia và Micron Technology.
Chỉ số Dow Jones tăng hơn 350 điểm sau khi Tổng thống Trump nhen nhóm kỳ vọng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
“Thị trường có cơ sở để lạc quan” - chiến lược gia Michael Geraghty từ Cornerstone Capital Group nhận định. “Tuy nhiên, cần nhớ rằng đã từng có rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến cơ hội thỏa thuận thương mại gần kề, nhưng đàm phán sụp đổ ngay sau đó”.
Kể từ hồi tháng 5, niềm tin về một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mờ dần sau hàng loạt động thái trừng phạt thuế quan và xung đột trên nhiều lĩnh vực công nghệ, an ninh… Trong khi ông Trump thả nổi khả năng áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh khẳng định không ngần ngại đáp trả nếu cần thiết. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cùng nhiều chuyên gia phân tích đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do thương chiến, vì vậy mà cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập sắp tới sẽ tác động lớn đến triển vọng kinh tế thế giới.
Cũng trong ngày 18.6, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở FOMC thuộc FED về chính sách tiền tệ đã tác động lớn đến sự lạc quan của các nhà đầu tư. Nhiều khả năng cho thấy FED vẫn giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, nhưng thị trường đang trông chờ các dấu hiệu của việc cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. Cụ thể, các chuyên gia đang kỳ vọng FED sẽ tiến hành 3 lần cắt giảm lãi suất vào tháng 7, tháng 9 và tháng 12, theo công cụ đo lường FedWatch.
Cuộc họp của FOMC diễn ra trong hai ngày 18-19.6 và FED dự kiến công bố chính sách tiền tệ vào lúc 2 giờ chiều ngày 19.6 (giờ Mỹ), ngay sau khi phiên họp kết thúc.
James Ragan, giám đốc nghiên cứu đầu tư cá nhân tại D.A. Davidson nhận định có hai động lực chính khiến thị trường chứng khoán bùng nổ hôm thứ Ba: sự lạc quan thương mại và sự kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Thị trường đang tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng một khi có bằng chứng về triển vọng cắt giảm lãi suất và thỏa thuận thương mại, đó sẽ là sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.