Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Nông sản Việt cạnh tranh từ sân nhà ra thế giới!”
Phát biểu bên lề hội nghị, chuyên gia kinh tế - TS. Ngô Trí Long khẳng định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1.2019 đã tạo nên một khu vực kinh tế tự do trên phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. Trong đó, có 3 thị trường mới hoàn toàn và 7 thị trường đã từng có FTA với Việt Nam theo hình thức song phương hoặc đa phương. Để tận dụng được những cơ hội, Việt Nam trước mắt cần vượt qua thách thức lớn khi đối diện với rủi ro tổn thương cạnh tranh, đặc biệt là những lĩnh vực như ngành chăn nuôi.
Nông sản Việt Nam: Cạnh tranh ngay từ sân nhà!
Trong nội dung chia sẻ, ông Long chỉ ra 3 thách thức lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Thứ nhất, năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ. Thứ hai, Việt Nam là một trong 5 vùng bị tổn thương lớn nhất do ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu: ước tính mỗi năm, biến đổi khí hậu gây thiệt hại 1-2 tỷ USD, ảnh hưởng nặng nề tới nông dân và nông thôn. Thứ ba, trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng lực cạnh tranh trong ngắn hạn chưa mạnh mẽ.
Ba thách thức đó đã đặt ra những bài toán lớn mà Chính phủ cũng như Doanh nghiệp cần giải quyết trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, nếu muốn tận dụng được lợi thế từ CPTPP trên thị trường quốc tế.
Một điều đáng lưu ý là sự cạnh tranh ngay tại sân nhà, giữa các dòng sản phẩm và doanh nghiệp. Chính điều này vô hình chung làm giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên sân chơi thế giới.
Chuyên gia kinh tế - TS. Ngô Trí Long
Ông Long nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam so với 10 nước tham gia CPTPP còn nhiều hạn chế về năng lực cạnh tranh, xuất phát từ nhiều nguyên nhân: tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, câu chuyện bản quyền về công nghệ, giống cây trồng vật nuôi… hay khả năng thích ứng kém với những tiến bộ công nghệ, việc tổ chức sản xuất, kiểm soát thị trường cũng chưa theo kịp các nước thành viên khác của CPTPP…Tất cả điều đó tạo ra sức ép lớn đối Việt Nam trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Nhận định về từng ngành nông nghiệp, ông Long cho biết: “Trong 12 quốc gia tham gia CPTPP, có thể chia thành 3 nhóm theo trình độ phát triển chăn nuôi. Australia và New Zealand là những nước phát triển thuộc nhóm đầu, có tiềm năng và lợi thế lớn về xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Nhóm thứ hai gồm Nhật Bản, Singapore và Malaysia. Việt Nam hiện nằm trong nhóm kém phát triển nhất.”
“Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh. Đáng nói, công nghiệp chế biến, giết mổ của Việt Nam còn rất yếu kém, trong khi đây mới là khâu tạo giá trị gia tăng cao.”
Ngành thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, song cũng phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến quy định truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, giá thành…
Đối với ngành trồng trọt, vị chuyên gia kinh tế khẳng định: “Trong những năm qua, có sáu loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng cao và mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhờ giá trị xuất khẩu tăng, đó là: gạo, cà phê, rau quả, chè, hạt tiêu, hạt điều và sắn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa đẩy mạnh phát triển, quảng bá thương hiệu, sức cạnh tranh yếu so với các nước thành viên CPTPP khác.”
Toàn cảnh Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt".
Làm gì để giải bài toán thách thức cho nông sản Việt trên sân chơi CPTPP?
Chính phủ đã đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1137/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có những giải pháp ngắn và dài hạn mà nông dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý kinh tế cần xem xét trên con đường đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, tận dụng làn gió CPTPP:
Một là nắm bắt cơ hội trên thị trường quốc tế nhưng không bỏ quên lợi thế sân nhà.
Hai là chú trọng yếu tố chất lượng. Ông Long khẳng định: “Chất lượng là con đường duy nhất của nông sản xuất khẩu. Một thực tế hiện nay là hàng nông sản Việt Nam thường thua kém các nước khác từ 15-50% về giá trị do những chênh lệch về chất lượng. Dù đứng nhất nhì thế giới về khối lượng xuất khẩu, nhưng giá nông sản Việt Nam thường thấp hơn nhiều do chất lượng hạn chế”.
Ba là tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm nhằm đa dạng hóa, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng của các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.
Bốn là tập trung triển khai hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển tiến tới các khâu an toàn sau thu hoạch (bao bì, bảo quản) và tiêu thụ, không chỉ dừng lại ở khâu nông sản thô.
Năm là tăng cường áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại chất lượng tốt nhất, an toàn nhất với giá hợp lý nhất để thỏa mãn yêu cầu của thị trường. Tiếp cận và đầu tư những thành quả của cuộc cách mạng 4.0 trong việc ứng dụng một số công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại như: Sử dụng phân bón thông minh; ứng dụng công nghệ đóng gói bao bì cải tiến (MAP) và khí cải tiến cân bằng (EMAP) để giảm lượng hư hỏng nông sản; phát triển thương mại điện tử và hệ thống bán hàng tự động để phân phối nông sản và thực phẩm; ứng dụng Internet để truy xuất nguồn gốc, chống giả, thông tin sản phẩm và thanh toán trực tuyến…
Sáu là xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu nông sản Việt. Ông Long bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi Việt Nam hiện có đến hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài, thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế còn chưa được phổ biến rộng rãi dù khối lượng xuất khẩu lớn.
Bảy là, cần rà soát và bổ sung toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với yêu cầu từ thị trường quốc tế, qua đó xây dựng một quy chuẩn hành lang pháp lý riêng cho Việt Nam. Đặc biệt, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân và cơ quan quản lý trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi một cách đồng bộ để giải quyết bài toán chất lượng nông sản.
Tám là có giải pháp định hướng thị trường và bảo đảm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. “Theo tôi, cần nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ, có giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất - thị trường, tăng cường năng lực dự báo cung - cầu nông sản, nắm bắt trước những biến động của thị trường, giúp doanh nghiệp chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế.”
Bộ Công thương cần tăng cường hoạt động của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, củng cố, mở rộng hệ thống cơ quan đại diện xúc tiến thương mại tại nước ngoài, xây dựng sàn giao dịch nông sản và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản. Thúc đẩy năng lực xuất khẩu, chủ động tìm kiếm thị trường thông qua tăng cường tổ chức các hội thảo hỗ trợ xuất khẩu, liên kết kinh doanh; diễn đàn xuất khẩu thường niên để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường.
Cuối cùng là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức để nông dân nắm bắt thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nuôi trồng, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính thương hiệu trên thị trường.