Cơ cấu lại nền kinh tế: Cần tăng tính tự chủ của ngành nông nghiệp, phát huy vai trò "bệ đỡ"
Tại phiên thảo luận trực tuyến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng kế hoạch này trước những yêu cầu mới của thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm tới nội dung về cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn tới để ngành này tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.
TĂNG TÍNH TỰ CHỦ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn), hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới và trong nước cho thấy rõ vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp.
Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được Chính phủ nêu trong dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, đại biểu đánh giá cao các giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cũng đồng tình với băn khoăn nêu trong báo cáo về tính tự chủ thấp và phụ thuộc vào thị trường bên ngoài của nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.
“Trên thực tế hiện nay, mặc dù là nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn”, đại biểu đoàn Lạng Sơn cho biết.
Dẫn chứng thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 8/10/2021, đại biểu cho biết Việt Nam là nhà nhập khẩu lượng ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu vào các năm 2021-2025.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan kỳ 1/10/2021, số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu từ đầu năm đến thời điểm báo cáo về thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc và nguyên liệu thuốc trừ sâu và nguyên liệu phân bón các loại đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
“Đặc biệt, trong mấy tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến cho doanh nghiệp và các hộ nông dân chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn và thua lỗ. Nguyên nhân giá thức ăn tăng cao là do tác động của dịch bệnh dẫn đến giá cả và chi phí vận chuyển đều tăng”, đại biểu thông tin.
Dựa trên những dẫn chứng trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón và các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Theo đại biểu, song song với đó cần tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Đại biểu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, xem xét, đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
THÀNH BẠI NẰM Ở VIỆC LIÊN KẾT NÔNG DÂN
Cũng quan tâm tới nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nhất trí cao với định hướng tiếp cận cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiếp tục vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, đại biểu quan tâm với việc thúc đẩy kinh tế hợp tác và hợp tác xã.
Theo đại biểu, kinh tế hợp tác và hợp tác xã vẫn là tất yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp, bởi vì chỉ có kinh tế hợp tác và hợp tác xã mới đảm bảo cho người nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt.
“Tôi thấy cần chú trọng thêm vấn đề phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong kế hoạch. Đề nghị Chính phủ rà soát lại hệ thống pháp luật về hợp tác xã để chúng ta có thể hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển”, đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum cũng quan tâm với việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Theo đại biểu, là một nước nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, nhưng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế vẫn còn ít.
“Nhiều nông sản trong nước được xuất khẩu dưới dạng thô, sau khi nhập về doanh nghiệp nước ngoài họ chế biến nên thương hiệu của họ. Ở đồng bằng chúng ta có thế mạnh là gạo, miền núi Tây Nguyên có thế mạnh là cà phê và điều, nhưng vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho gạo và cà phê, hạt điều đang có vấn đề”, đại biểu Tô Văn Tám nhận định.
Đại biểu dẫn chứng về việc giống lúa ST2, ST25 là do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công nhưng đến nay đã có 40 doanh nghiệp nước ngoài đang đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25.
“Họ đăng ký được thì chúng ta rõ ràng rất thiệt thòi. Tôi nghĩ rằng vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho Việt Nam cũng là vấn đề hết sức quan trọng và tôi đề nghị cũng nên xác định rõ ở trong kế hoạch này”, đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum kiến nghị.
Còn theo đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), dù thời gian qua ngành nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế tế với kim ngạch 9 tháng đầu năm 2021 đạt con số ấn tượng 35 tỷ USD, nhìn một cách tổng thể, ngành này vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết, thị trường tiêu thụ bấp bênh...
Đại biểu cho rằng, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc thay đổi nhận thức của Nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp là rất cần thiết, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần, còn yếu tố tiên quyết là thay đổi nhận thức của người nông dân.
“Nông dân mình có tính cần cù, thông minh, sáng tạo, hào sảng, nuôi được con cá, trồng được đám rau khi xảy ra dịch bệnh, bà con khó khăn lấy cho hết mà không cần tính toán, nhưng khi làm ăn thì mạnh ai nấy làm, dấu nghề không chịu liên kết. Cho nên việc sắp xếp lại sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì phải liên kết người nông dân, cơ cấu lại nông nghiệp thành công hay không cũng chính là ở chỗ này. Phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân”, đại biểu Trần Văn Sáu phân tích.
Theo đại biểu, hện tại, mô hình liên kết tốt nhất là hợp tác xã nhưng đây lại là khâu yếu nhất, do đó, cần phải được nghiên cứu sửa đổi để thực hiện cho phù hợp.
Dẫn so sánh của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều hành nông nghiệp giống như các nền tảng gọi xe trực tuyến hiện nay, đại biểu Trần Văn Sáu cho rằng sản xuất nông nghiệp lớn không nhất thiết phải tích tụ nhiều ruộng đất, chỉ cần liên kết mềm, liên kết những người nông dân trong hợp tác xã, hợp tác xã liên kết với các nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp là có thể giải được bài toán khó về cơ cấu lại nông nghiệp.