Cơ chế sandbox giúp doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới
Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... đang tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội tại Việt Nam, trong khi những khái niệm như tài sản ảo, tiền điện tử, taxi công nghệ... cũng dần trở nên phổ biến. "Nhiều thứ 'ảo' đã và đang dần trở nên 'thật', làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý liên quan", tiến sĩ Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, chia sẻ tại Hội thảo Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội ngày 24/6.
Chẳng hạn, Grab từ một ứng dụng taxi công nghệ đã mở rộng sang dịch vụ giao hàng nhanh, ship đồ ăn, trung gian thanh toán... Một số loại hình kinh tế chia sẻ khác cũng đã hiện diện ở Việt Nam như dịch vụ lưu trú Airbnb, chia sẻ không gian làm việc... Lúc này, thuật ngữ sandbox được nhắc tới nhiều như "lời giải" cho các bài toán pháp lý đặt ra. Bà Hoa cho biết, trước các hiện tượng mới với những khía cạnh chưa dễ hình dung hoặc chưa thể lường trước được các diễn biến, việc áp dụng cơ chế sandbox là lựa chọn mà nhiều quốc gia đã thực hiện.
Tuy nhiên, bà Hoa nhận định, việc áp dụng cơ chế này cho lĩnh vực nào, trong điều kiện nào chỉ có được câu trả lời chính xác khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể. Việc hàng loạt câu hỏi về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền mã hoá, tiền ảo... vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam chính là mảnh đất màu mỡ để rủi ro len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Do đó, trong khi chờ các văn bản luật được ban hành, Việt Nam có thể xem xét xây dựng khung pháp lý cho cơ chế sandbox, tập trung quy định rõ "không gian và thời gian", áp dụng sandbox cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định, sau khi phân tích kỹ từng tình huống chính sách cụ thể.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, cho rằng mô hình môi trường thử nghiệm sandbox có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước. Do đó, cơ quan quản lý cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong sandbox, áp dụng biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn an ninh tiền tệ, tài chính, cơ quan quản lý cần đề ra tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia sandbox.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự chậm trễ trong việc xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đôi khi là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ, khiến chúng ta không thể đột phá mà còn tụt lại phía sau.
"Một điều quan trọng là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng công nghiệp 4.0. Xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống, sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên trong mô hình kinh doanh mới, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình này.
Các chuyên gia cho rằng, việc sớm có một khuôn khổ, một quy chuẩn cho sandbox là điều cần thiết để tránh nguy cơ các vấn đề phát sinh vượt tầm kiểm soát và khiến cho chính các cơ quan quản lý lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phát sinh đó.