Cơ hội “vàng” từ xuất khẩu lao động nông nghiệp
Xuất khẩu làm nông “lên ngôi”
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Hiện tại, lao động của Việt Nam đã làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, một số thị trường lớn tiếp nhận nhiều lao động như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Ông Nguyễn Tiến Cương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạnào đây
Lao động Việt Nam làm việc tại trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc.
Đặc biệt, triển vọng đáng kể nhất ở thị trường này chính là việc mở rộng chương trình hợp tác đưa lao động thời vụ đi làm nông nghiệp giữa các tỉnh, thành của Hàn Quốc với các tỉnh, thành của Việt Nam. Theo đó, kể từ năm 2017 các tỉnh thành có thể cung ứng lao động ngắn hạn (khoảng 3 tháng) cho phía bạn. Điều kiện tuyển dụng cũng khá linh hoạt, như tuyển lao động 32 tuổi, không đòi hỏi thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn, chi phí đi khá thấp (chỉ từ 20-30 triệu đồng/lần/lao động xuất cảnh).
Bởi vậy, hiện nay đã có 4 tỉnh làm điểm là: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam và Thái Bình. Bộ LĐTBXH cũng đã có công văn hướng dẫn các địa phương thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Nhật Bản cũng nổi lên như là một thị trường tiềm năng, có khả năng tiếp nhận số lượng lao động ngành nông nghiệp khổng lồ. Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp Hội XKLĐ Việt Nam cho biết, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đã khiến quốc gia này thiếu hụt lao động làm trong ngành nông nghiệp. Vì vậy, khi chế độ thực tập kỹ năng người nước ngoài được thực thi, nông nghiệp nằm trong danh sách những ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh người nước ngoài. Các con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2018 đã có hơn 61.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường Nhật Bản (chỉ xếp sau Đài Loan).
Thị trường XKLĐ sang Australia dù là thị trường mới, số lượng tiếp nhận lao động không nhiều nhưng rõ ràng đang là thị trường cực hấp dẫn cho lao động bởi thu nhập ở thị trường này có thể lên tới 80-90 triệu đồng/lao động/tháng.
Từ đầu năm 2017, Bộ Di trú Australia đã chính thức cho phép công dân Việt Nam được phép xin visa Australia theo diện “Lao động kết hợp kỳ nghỉ”. Hiện chương trình tiếp nhận lao động có trình độ kỹ thuật cao (học hết Đại học, có trình độ tiếng Anh) làm việc trong các nhóm ngành như: Trồng trọt, hái quả, chăn nuôi, làm rừng, du lịch...
Nông dân còn thiếu ngoại ngữ, kỷ luật...
Có thể nói, triển vọng XKLĐ lao động trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam rất nhiều nhưng khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện cũng không hề ít.
Ông Lê Nhật Tân - Phó giám đốc Công ty XKLĐ LOD cho rằng, đúng là Việt Nam có thế mạnh trong việc XKLĐ trong ngành nông nghiệp bởi Việt Nam từ lâu vẫn được biết đến như một quốc gia nông nghiệp, lao động dồi dào.
“Mặc dù vậy, đây chưa hẳn là một lợi thế vì lao động nông nghiệp của ta đông, nhưng không có kỹ năng và ngoại ngữ, bởi vậy rất khó đáp ứng điều kiện của một số thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường khó tính như Nhật Bản. Thêm vào đó, kỷ luật lao động của nhóm lao động làm trong lĩnh vực này cũng là vấn đề đáng bàn do nhận thức trình độ học thức, hiểu biết pháp luật xã hội. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông nghiệp ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng khá cao” - ông Tân nói.
Bên cạnh những khó khăn chủ quan, ông Tân cũng cho rằng, XKLĐ ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều những nguyên nhân khách quan. Cụ thể là bất lợi về mặt thời tiết, dịch bệnh, việc sản xuất theo mùa vụ. “Bình thường chúng ta có thể thấy mức lương chủ trả cho lao động làm nông nghiệp có thể cao ngang ngửa với lao động làm xây dựng hay công xưởng, thậm chí nếu tăng ca mức lương có thể cao hơn nhiều (40 - 50 triệu đồng/tháng với thị trường Hàn Quốc, 30 - 35 triệu với lao động làm Nhật Bản), tuy nhiên mức lương đó sẽ không ổn định. Nếu thời tiết bất lợi, không vào mùa vụ thì lao động sẽ không có công việc. Đó là chưa kể tới việc công việc vất vả, môi trường khắc nghiệt, độ chuyên môn hóa cao… ” - ông Tân nói.
Chính bởi những lý do đó mà hiện nay Công ty LOD cũng chỉ tập trung đưa lao động Việt Nam sang Nhật làm một số ngành trọng điểm là: Y tá, điều dưỡng; xây dựng; công xưởng. Nông nghiệp, công ty có đưa nhưng số lượng rất hạn chế.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều địa phương có tỷ lệ lao động đi XKLĐ cao cũng cho rằng, việc đưa lao động đi làm nông nghiệp không hề đơn giản. Ông Nguyễn Tiến Cương – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong 2 năm gần đây, tỉnh này đã chú trọng truyền thông về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực tế triển khai cho thấy, nhiều lao động cũng nhận thức chưa đúng về việc đi XKLĐ để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống.
Để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực đưa người lao động đi XKLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Cương cho rằng: “Việt Nam phải nâng cao năng lực đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nông nghiệp cũng như ngoại ngữ cho người lao động. Thêm vào đó, có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho lao động từ kinh phí, đào tạo tới truyền thông sự khác biệt văn hóa để lao động yên tâm đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt mở rộng các chương trình XKLĐ đi làm nông nghiệp ngắn hạn (3 - 12 tháng) thay vì dài hạn từ 3 - 5 năm”.
Thị trường lao động Nhật rất khắt khe
“Hiện nay công ty cũng đang nghiên cứu triển khai đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tại một số trang trại nông nghiệp. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường đòi hỏi điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe. Do vậy, công ty đang tìm kiếm giải pháp, liên kết với một số đối tác và các địa phương thực hiện đào tạo kỹ năng nghề, tiếng cho lao động trước khi triển khai chương trình”.
Ông Vũ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hợp tác lao động LACO
Xuất khẩu làm nông, thu nhập “như mơ”
“Sau 3 tháng học tiếng Nhật, đầu tư khoảng 30 triệu đồng, tôi đã đi làm việc tại Nhật Bản. Công việc trong một trang trại nông nghiệp trồng hoa, quả mang lại cho tôi thu nhập rất khá. Mỗi tháng trừ tiền ăn ở, tôi tích cóp được hơn 30 triệu đồng gửi về gia đình. Sau 7 tháng làm việc chăm chỉ, tôi đã tích góp được 250 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn với tôi và gia đình mà có nằm mơ, tôi và gia đình cũng chưa từng nghĩ tới. Tôi đã đầu tư một phần số tiền để làm lại nhà cửa cho bố mẹ, còn một phần thì đầu tư để học thêm tiếng Nhật và dự định cuối năm 2019 này sẽ tiếp tục xin đi XKLĐ ở Nhật để tích lũy thêm tài chính sau này về quê lập nghiệp”.
Anh Nông Xuân Đề (27 tuổi, trú thôn Nà Niểm,xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn)