Cổ phiếu cá tra nổi sóng trước thông tin miễn thuế
Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019.
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tỷ dân
Quý I, Việt Nam xuất khẩu 466,1 triệu USD sản phẩm cá tra, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với 107 triệu USD. Châu Âu đứng thứ 2 với con số tăng trưởng 62,5% so với cùng kỳ, trong khi Mỹ lùi lại vị trí thứ 3.
Sang tháng 4, Việt Nam xuất khẩu 143,8 triệu USD các sản phẩm cá tra, giảm 18,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 42,9 triệu USD, giảm nhẹ 5,9% về giá trị so với tháng 4/2018, chủ yếu do mặt bằng chung giá bán cá tra giảm. Theo sau là thị trường châu Âu, ASEAN.
Sau giai đoạn dài tăng mạnh thì từ đầu năm đến nay, giá cá tra có xu hướng chững lại và sụt giảm. Nhưng giá cá tra giảm lại giúp các doanh nghiệp cá tra có được chi phí đầu vào (cá giống, cá nguyên liệu) thấp hơn; đồng thời, kích thích nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường, các nhà nhập khẩu tiếp tục nhập khẩu lượng lớn sản phẩm do giá khá hấp dẫn.
Top thị trường xuất khẩu theo thị phần.
Thị trường Mỹ lùi về vị trí thứ 4, với mức sụt giảm 58,9% so với tháng 4/2018. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này được các doanh nghiệp cho rằng, các nhà nhập khẩu tại Mỹ đã nhập lượng hàng lớn sản phẩm cá tra vào cuối năm 2018, ở mức giá cao nên cần thời gian để bán hàng trong kho. Ðiều này cộng thêm việc giá cá tra liên tục giảm dẫn đến tâm lý chờ đợi của các nhà nhập khẩu và hạn chế nhập hàng tại thời điểm này. Các bên đều chờ đợi kết quả mức thuế chống bán phá giá cuối cùng từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC).
Dẫu vậy, với thị trường Mỹ, Thủy sản Nam Việt (ANV) dự kiến sẽ khôi phục trong một vài tháng tới khi hàng tồn kho giảm dần và thị trường trở về quỹ đạo bình thường sau khi kết quả đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) được công bố.
Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và ASEAN là các thị trường xuất khẩu lớn của cá tra Việt Nam, do vậy, mọi chính sách liên quan đến nhập khẩu của thị trường này đều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành. Nếu với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam thường xuyên đối mặt với các đợt rà soát về thuế chống bán phá giá; thị trường EU thì hình ảnh con cá tra từng bị bôi nhọ (hiện đã có nhiều cải thiện)… thì thị trường Trung Quốc được đánh giá rất tiềm năng với quy mô dân số đông, sức cầu lớn, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh nhu cầu tiêu thụ của các chuỗi nhà hàng (có chuỗi nhà hàng có đến 2.000 cửa hàng) và kênh thương mại điện tử đang rất phát triển. Nhận ra tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.
Việc Chính phủ Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm cá tra Việt Nam có mức giá cạnh tranh hơn, qua đó, giúp các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu sang thị trường này. Ghi nhận tại một số doanh nghiệp niêm yết trong ngành, mức thuế trung bình áp lên hàng cá tra xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là khoảng 10% (tùy loại sản phẩm như cắt khúc, file…).
Thông tin được ông Trương Ðình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các website thương mại điện tử của Trung Quốc cũng đang cập nhật thông tin và bán khá nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Trung Quốc hiện đang được xem là thị trường thay thế của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sau khi bị áp thuế cao vào Mỹ. Năm ngoái, sản lượng cá tra xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và năm nay, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Hiện có hơn 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa vào Trung Quốc.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cá tra việt nam ( tỷ USD ).
Nhiều cổ phiếu thủy sản bật tăng
Thuế suất xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc từ mức trung bình 10% về 0%, dĩ nhiên sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp thủy sản đang xuất khẩu vào thị trường này. Ngay sau thông tin phát ra, phiên giao dịch 23/5, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như VHC, ANV, IDI… nhanh chóng bật xanh, thậm chí tăng trần như ANV.
Vĩnh Hoàn có thị trường chính là Mỹ, đóng góp khoảng 60% doanh thu trong vài năm qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, từ mức 2% năm 2014 tăng lên 18% năm 2018. Quý I vừa qua, VHC tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu 1.789 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế hơn 307 tỷ đồng, tăng hơn 212%. Biên lợi nhuận gộp cao, ở mức hơn 23,5%, một phần nhờ giá bán (chủ yếu ở thị trường Mỹ) vẫn neo ở giá cao, trong khi thị trường Trung Quốc gần như điều chỉnh ngay theo giá đầu vào giảm.
Ðối với ANV, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của Công ty, sau ASEAN và EU. Chiến lược của Công ty là mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Top 3 kể trên như Brazil, Ai Cập, Mexico…. ANV đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ nguồn cung đến khách hàng, nhờ đó, Công ty có thể kiểm soát được chi phí và hàng tồn kho. Hiện ANV đang triển khai dự án vùng nuôi cá tra công nghệ cao Bình Phú, quy mô lên đến 600 ha. Mục tiêu của ANV là tự chủ 100% nguồn cá thịt nguyên liệu vào năm 2020 (năm 2019 là 70%) để kiểm soát chất lượng đầu vào.
Theo chia sẻ của lãnh đạo ANV, để có thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu sản phẩm đa dạng của khách hàng, qua đó, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thì chỉ có đầu tư vào chuỗi giá trị, với 5 yếu tố cốt lõi là con giống, cá thịt đưa vào sản xuất, nhà máy thức ăn, nhà máy sản xuất và thị trường xuất khẩu. Ðể làm được điều này, chắc chắn phải xây dựng chuỗi giá trị khép kín, hoàn chỉnh.
IDI có một năm 2018 tăng trưởng cao nhất ngành và được đánh giá là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín và có thể tự chủ được cá nguyên liệu lên đến 95%. Sản phẩm của Công ty cũng khá đa dạng, ngoài cá tra là chủ lực chiếm hơn 53% doanh thu, IDI còn có sản phẩm bột cá, mỡ cá, thức ăn chăn nuôi. IDI cũng được ghi nhận là doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu cá tra lớn vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thông tin tích cực bước đầu và giá cổ phiếu các doanh nghiệp phản ánh ngắn hạn, bởi theo ghi nhận của Báo Ðầu tư Chứng khoán tại một số doanh nghiệp, mức độ bền vững của việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan của Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.
Cơ hội sẽ luôn mở ra với những doanh nghiệp có sự đầu tư cho công nghệ, vùng nuôi và hoàn thiện chuỗi giá trị, tiến dần đến các công đoạn có giá trị gia tăng cao, từ đó cải thiện tốt hơn biên lợi nhuận. Ðây cũng là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Ða phần đều dừng ở khâu nuôi trồng rồi xuất khẩu. Hiện tín hiệu tích cực hơn khi đã có thêm nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu sâu từng thị trường, từ đó có những chiến lược sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, thay vì chỉ xuất thô như trước.
Chẳng hạn, VHC đã sớm phát triển những sản phẩm giá trị gia tăng như collagen và gelatin, dù chịu lỗ trong năm 2016 - 2017 nhưng năm 2018 đã cho thành quả tốt với 84 tỷ đồng, vượt xa kỳ vọng ban đầu của VHC là 40 tỷ đồng.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán, các sản phẩm này của VHC có biên lợi nhuận cao, là yếu tố không chỉ giúp VHC hoàn thiện chuỗi giá trị mà còn trở thành động lực tăng trưởng bền vững trong các năm tới, khi mà mảng cá tra dù tiềm năng nhưng lại chịu nhiều rủi ro từ thị trường, từ giá nguyên liệu đầu vào - đầu ra biến động. Theo kế hoạch, năm 2019, VHC dự kiến giải ngân 115 tỷ đồng để đầu tư hệ thống đóng gói và đầu tư thêm dây chuyền chế biến gelatin.
ANV cũng đang triển khai chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng như collagen, genlatin, surimi và hiện đã có đầu ra cho một số sản phẩm.