“Cơn sốt” mít Thái và bài học cung cầu
Cả vùng ĐBSCL hiện có diện tích trồng mít Thái lớn nhất cả nước với hơn 10.000ha, trên tổng số hơn 26.000 ha của cả nước. Ở từng thời điểm, giá trị mang lại từ mít Thái đã giúp cho người nông dân đổi đời chỉ sau một vài vụ thu hoạch. Bởi có lúc, giá mít lên đến hơn 60.000 đồng/kg, mỗi ha một năm thu hơn 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao trước mắt từ cây mít này cho chúng ta thấy điều gì? Nhiều bài học về chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát trong các năm qua đều đi đến kết cục là người nông dân luôn gánh chịu thiệt hại khi cứ lặp đi lặp lại tình trạng “cung vượt cầu”, “thừa hàng, dội chợ”.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của cây mít Thái hiện nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Với thị trường này, chúng ta đã có quá nhiều bài học, như trái cam sành thời điểm năm 2015, giá lên hơn 45.000 đồng/kg đã kích thích nông dân ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ... bỏ lúa để lên liếp trồng cam. Khi nguồn cung quá nhiều, thị trường đầu ra không còn, cây cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh... đã làm giá rớt thê thảm. Hay trái thanh long trong năm 2018 cũng vậy. Nguồn cung lớn nhưng khi thương lái Trung Quốc không mua hàng, ngay lập tức giá giảm cả chục lần. Nhiều nơi thanh long chất đống, đổ cho bò ăn.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, song đã và đang ngày càng trở nên “sành ăn”, “kỹ lưỡng” hơn. Thị trường này đang siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, với yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ghi nhận gần đây của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung Quốc cũng đang phát triển diện tích mít lên đến 180.000 ha. Thông tin này, ngành chức năng cần phổ biến đến các địa phương để chủ động “biết người biết ta”, từ đó có hướng sản xuất cho phù hợp với tín hiệu thị trường.
Mới đây, trước phong trào đổ xô trồng mít Thái, Bộ NN-PTNT đã có yêu cầu các địa phương có diện tích mít Thái với diện tích lớn cần quan tâm, chấn chỉnh tình trạng này.
Hiện tại, diện tích mít Thái ngày một tăng nhưng giá lại có xu hướng giảm. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá mít Thái loại 1 được thương lái thu mua tại vườn trên dưới 35.000 đồng/kg, loại 1 khoảng 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cho biết, với mức giá này thì thu nhập từ trồng mít vẫn tốt hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Rõ ràng, tại ĐBSCL, mít Thái cũng có thể được xem có nhiều lợi thế so với những cây ăn trái khác và ngay cả đối với cây lúa. Tuy nhiên, cách thức sản xuất tự phát, không theo quy hoạch của nông dân trong những năm qua đã liên tục dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu; sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch đồng loạt nhưng không bán được.
Với cây mít Thái hiện nay cũng vậy, tình trạng người dân chạy đua theo phong trào giá cao thì trồng, giá thấp thì chặt bỏ đang là điều rất đáng lo ngại khi hướng tới sản xuất bền vững. Bởi với cách làm như vậy, phần thua thiệt trước tiên, người nông dân sẽ lãnh đủ. Giá mít tăng mạnh như thời gian qua không có yếu tố nào đảm bảo sẽ kéo dài bởi phần lớn người dân bán tại vườn mà rất ít hợp đồng sản xuất được ký kết. Hầu hết trồng mít Thái dựa vào yếu tố may rủi của thị trường, mà hệ lụy của vấn đề này đã thấy rất rõ, nông sản thừa, ế không có đầu ra.
Đã có nhiều lần dưa hấu, hành, khoai lang, chuối... được người tiêu dùng trong nước phải chung tay “giải cứu”. Tuy nhiên, đây không phải là biểu hiện của cơ chế thị trường mà là “cơ chế tình thương”.
Do vậy, không chỉ cây mít Thái mà đối với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác, để phát triển bền vững thì trước tiên, cần sự thay đổi về tư duy kinh doanh của chính các hộ nông dân. Người nông dân cần tỉnh táo chọn cho mình cách làm căn cơ, bền vững hơn. Thay vì phát triển manh mún, tự phát thì nông dân phải kết nối với nhau và liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra và sản xuất theo tín hiệu của thị trường.
Mặt khác, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần từ quy hoạch, tìm hiểu thị trường, liên kết doanh nghiệp, hay cung cấp ưu đãi về tín dụng, hướng tới việc sản xuất sạch, có truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch, chinh phục nhiều thị trường thay vì cứ “phập phồng” xuất tiểu ngạch sang một số ít thị trường. Đây là những hướng mở mà nông dân cần tiến tới.