Cùng ngư dân vươn khơi "săn" cá ngừ đại dương, làm giàu đất Võ
Trên con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào cảng cá Tam Quan, trước mắt chúng tôi hiện ra một làng biển trù phú với những dãy nhà cao tầng. Nếu cách đây chục năm, vùng Tam Quan Bắc chỉ là làng chài nghèo ven biển, cuộc sống người dân thiếu thốn, thì giờ đây đã trở nên giàu có, sung túc. Nơi đây nổi tiếng với "binh đoàn tàu xa bờ" công suất lớn.
Hành trình vươn khơi, "cưỡi gió, đạp sóng" săn cá ngừ
Đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu, lão ngư Bùi Thanh Ninh (còn gọi là ông "vua tàu cá" Sáu Ninh) vui vẻ khoe, cơ ngơi bề thế, khang trang của gia đình ông nhờ vươn khơi, bám biển khai thác cá ngừ đại dương mà có.
Ngay từ nhỏ, lão ngư Sáu Ninh đã cùng cha lênh đênh trên biển mưu sinh. Với ông, đó là "nghề gia truyền" ông cha để lại, vì vậy sau khi đi lính trở về, ông lại đắm chìm với tình yêu biển và ấp ủ giấc mơ vươn khơi làm giàu. Thế nhưng, chỉ đến khi Chính phủ có chủ trương về đánh bắt xa bờ, cùng với chút "vốn mồi" từ Agribank Hoài Nhơn cơ hội đổi đời của "vua tàu cá" Sáu Ninh mới thực sự mở ra.
"Biển khơi mênh mông, ngoài kia nhiều cá lớn, muốn giàu lên thì phải ra đó đánh bắt mới được. Lúc đó, tôi khát khao đóng được chiếc tàu lớn để vươn khơi làm giàu. Vì vậy, khi có chủ trương, tôi mạnh dạn vay vốn Agribank đóng chiếc tàu đầu tiên công suất chỉ mấy chục CV. Qua quá trình đi biển tích góp kinh nghiệm, và có ngân hàng đồng hành tiếp vốn, tôi đóng thêm tàu có công suất lớn hơn. Vượt qua bao thăng trầm, vươn khơi thành công, tôi thành lập đội tàu đoàn kết đánh bắt thủy sản xa bờ" - ông Sáu Ninh say sưa kể lại.
Vào thời kỳ hoàng kim, ông quản lý 13 chiếc tàu cá đánh bắt cá ngừ. Giờ đây dù tuổi đã cao, không còn "cưỡi gió, đạp sóng" nhưng ông Sáu Ninh vẫn ngồi nhà chỉ huy đội tàu 6 chiếc, qua thiết bị định vị gắn trên các tàu, kết nối với điện thoại thông minh.
Với thiết bị này, ông Sáu Ninh dễ dàng kiểm soát vị trí đánh bắt của đội tàu, nắm được tình hình khai thác, đặc biệt là điều phối các tàu hỗ trợ nhau nếu không may gặp sự cố trên biển. Theo nhẩm tính của "vua tàu cá", đánh bắt thuận lợi, ông thu về cả tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
"Giờ khá giả rồi, nhiều ngân hàng tới mời tôi sử dụng dịch vụ nhưng để có được cơ ngơi ngày hôm nay, không thể thiếu sự đồng hành của Agribank. Cho nên tôi chỉ mang tâm huyết với Agribank" - ông nói.
Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển nơi đất Võ
Hiện khối tài sản từ vốn vay của lão ngư Sáu Ninh đã lên tới 30 tỷ đồng, nhưng "vua tàu cá" vẫn thường xuyên duy trì dư nợ 2 tỷ đồng tại Agribank. Bởi đây chính là nguồn vốn lưu động giúp lão ngư Sáu Ninh "nuôi quân" khi đội tàu ra khơi đánh bắt.
Cũng nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và sự tiếp sức về vốn từ ngân hàng, giờ đây không chỉ ông Sáu Ninh mà nhiều ngư dân tại thị xã Hoài Nhơn đã làm chủ đội tàu đánh bắt hùng hậu trên biển, trở thành triệu phú, tỷ phú.
Ông Phạm Tấn Hồng - Phó Giám đốc Agribank thị xã Hoài Nhơn, Bình Định cho biết, ngân hàng luôn ưu tiên cho ngư dân được đủ vốn để có điều kiện vươn khơi, bám biển, qua đó góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngân hàng luôn ưu tiên cho ngư dân được đủ vốn để có điều kiện vươn khơi, bám biển, qua đó góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Không những thế, lãi suất của các khoản vay này luôn thấp hơn so với các khoản vay thương mại thông thường".
Ông Phạm Tấn Hồng - Phó Giám đốc Agribank thị xã Hoài Nhơn, Bình Định
Không những thế, lãi suất của các khoản vay này luôn thấp hơn so với các khoản vay thương mại thông thường. Riêng từ đầu năm đến nay, các khách hàng nông, ngư dân trên địa bàn đã được giảm tối thiểu 2% lãi suất của các khoản vay.
Hiện thị xã Hoài Nhơn có khoảng 2.100 tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm khoảng 60 - 70% lượng cá ngừ cả nước. Theo ông Hồng, bình quân mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt chi phí vào khoảng 300 triệu đồng, 70 – 80% là nguồn vốn vay từ Agribank. Ngư dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả, ngân hàng cũng rất mừng!