Đà Nẵng: Nông dân Hòa Vang đổi đời từ nguồn vốn chính sách
Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và xây dựng nông thôn mới.
"Cần câu" trao đúng người
Ông Đoàn Ngọc Cẩm – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang cho biết: "Thời gian qua, Phòng giao dịch thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra giám sát công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng quy định, có hiệu quả.
Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm tích cực bám sát Nghị quyết Hội đồng quản trị, Ban đại diện các cấp và chỉ đạo của Tổng Giám đốc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ năm 2024, và của Giám đốc chi nhánh tại hội nghị giao ban cán bộ công chức, đơn vị chủ động triển khai giải ngân cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn; trọng tâm là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, cho vay học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nhà ở xã hội.
Nhờ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế. Nguồn vốn này đã góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình, nhiều hộ đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Chúng tôi cùng với cán bộ NHCSXH huyện Hòa Vang đã đến thăm mô hình sản xuất bánh tráng truyền thống của hộ anh Võ Văn Nên (46 tuổi, trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Gắn bó với nghề đã 8 năm, anh Nên tâm sự: "Ngày trước tôi làm kỹ sư cầu đường, nhưng công việc cực nhọc, lại thu nhập bấp bênh, nên tôi quyết định nghỉ việc để theo nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình.
Năm 2021, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Hòa Vang, tôi đầu tư mở lò tráng bánh. Nhận thấy mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, năm 2023, tôi tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất".
Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Hiền có diện tích hơn 200m2, được trang bị nhiều máy móc hiện đại như: máy tráng bánh tự động, máy xay bột, lò sấy bánh bằng điện và nhà kho với tổng chi phí đầu tư gần 350 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hiền (41 tuổi) – vợ anh Nên chia sẻ: "Tôi làm thợ may nhưng thu nhập thấp, nên tập tành học nghề làm bánh tráng từ gia đình chồng. Trong thời gian đầu khởi nghiệp, hai vợ chồng gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng rất may mắn khi được NHCSXH huyện Hòa Vang tạo điều kiện, tiếp vốn kịp thời để gia đình mở rộng sản xuất".
Tuy đã có máy móc thay thế cho nhiều công đoạn, nhưng vợ chồng anh Nên vẫn lao động cần cù, chịu khó. Từ 3 giờ sáng, anh dậy xay gạo, khi trời vừa sáng thì bắt đầu tráng bánh để phơi cho kịp nắng, đến 2 giờ chiều thì nghỉ.
Vào những ngày mưa lạnh, cơ sở phải sấy bánh bằng lò điện. Tuy chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giúp cơ sở đảm bảo cung ứng kịp các đơn hàng trong và ngoài địa phương, nhất là vào cao điểm mùa Tết.
Đặc biệt, anh Nên dùng loại gạo xiệc đặc trưng chỉ có ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng để xay bột làm bánh. Nhờ vậy mà miếng bánh tráng vừa trắng trong, vừa dẻo dai mà không bị gãy hay nát khi cuốn, thơm đậm mùi gạo.
Hiện nay, cơ sở sản xuất 2 dòng sản phẩm bánh tráng cuốn và bánh tráng gói ram, chế biến 6 tấn gạo mỗi tháng. Riêng mùa Tết nhu cầu tiêu thụ tăng gấp đôi ngày thường nên phải hoạt động hết công suất. Anh chủ yếu cung cấp bánh tráng cho các cửa hàng tạp hóa, chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam với giá dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg.
Anh Nên phấn khởi nói: "Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ vốn của NHCSXH huyện Hòa Vang ngay lúc gia đình gặp khó khăn nhất. Nhờ đó mà tôi đã khởi nghiệp thành công với nghề làm bánh tráng truyền thống, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, tôi tạo được việc làm thường xuyên cho 6 lao động là chị em phụ nữ tại địa phương. Tiền công được trả theo sản lượng gạo làm mỗi ngày, bình quân mỗi nhân công được trả 150.000-200.000 đồng/ngày".
Bà Phạm Thị Cúc (71 tuổi, trú thôn Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) – một lao động tại xưởng anh Nên chia sẻ: "Tuy tôi lớn tuổi nhưng có sức khỏe tốt, chưa muốn nhờ cậy vào con cái nên muốn đi làm để trang trải cuộc sống. Cũng may được cơ sở bánh tráng Hiền Nên tạo việc làm mà 5 năm nay tôi có thu nhập ổn định, không quá vất vả mà lại có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống".
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Cũng tại thôn Thạch Nham Tây, hỏi về hộ anh Võ Ngọc Minh (43 tuổi) thì ai cũng đều biết. Bởi trước kia gia đình anh thuộc hộ nghèo, do vợ chồng không có việc làm ổn định, vợ đau ốm liên miên, 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học.
Anh Minh bộc bạch: "Ngày xưa gia đình tôi thực sự rất khó khăn, trong lúc ngặt nghèo nhất, gia đình tôi được NHCSXH huyện Hòa Vang quan tâm, giúp đỡ và cho vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản".
Vừa nuôi bò theo cách bán thả rông, anh Minh vừa sắp xếp thời gian chăm sóc gia đình, ai kêu gì làm nấy. Từ 1 con bò giống ban đầu, nhờ cần cù, chịu khó, vợ chồng anh đã phát triển đàn bò lên số lượng 9 con. Năm 2022, gia đình anh thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ hiệu quả của nguồn vốn ban đầu, năm 2022, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để thành lập và duy trì hoạt động Công ty TNHH MTV Minh Hòa Vang.
Anh Minh cho biết: "Với kinh nghiệm nhiều năm thi công các công trình điện ngầm, tôi quyết định thành lập công ty để thuận lợi hơn trong việc mở rộng quy mô. Cũng từ đây kinh tế gia đình bước đầu ổn định hơn, cuộc sống không còn cảnh thiếu trước hụt sau, các con tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Bình quân mỗi năm tôi có thu nhập gần 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với tiền công 450.000 đồng/ngày và 9 lao động thời vụ".
Ông Đoàn Ngọc Cẩm – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang nhấn mạnh: "Vốn tín dụng chính sách thực sự trở thành công cụ hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, không chỉ bởi sự ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục vay vốn mà còn ở chỗ tạo khả năng tiếp cận vốn thuận tiện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, tạo việc làm, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện".
Đến 15/03/2024, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang là 881.801 triệu đồng, tăng 18.432 triệu đồng, tỷ lệ tăng 2,13% % so với đầu năm, nợ quá hạn 62,62 triệu đồng, tỷ lệ 0,01%, nợ khoanh 48 triệu đồng tỷ lệ 0,01%; riêng tại xã Hòa Nhơn có 35 tổ Tiết kiệm và vay vốn, với 1.761 hộ vay, ủy thác qua 4 Hội đoàn thể, tổng dư nợ là 73.380 triệu đồng, là địa bàn có nợ quá hạn thấp 0,01%, tổng số tiền gửi tiết kiệm của tổ viên và dân cư trên địa bàn thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư là 4.310 triệu đồng.