Đại biểu Quốc hội quan ngại việc người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài
Trong phiên Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết 2018, một số đại biểu đã nêu ý kiến về công tác quản lý đất đai.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng việc quản lý đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, gây lãng phí. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên được vị đại biểu dẫn ra là chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo chưa cao, còn bị động, chồng chéo trong việc lập phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, theo đại biểu tỉnh Bình Định, công tác quản lý đất đai còn nhiều biểu hiện buông lỏng kỷ cương, kỷ luật, đặc biệt ở khâu quản lý sử dụng và xử lý sai phạm.
Đại biểu Lý Tiết Hanh.
Bà Hạnh cho rằng tình trạng quỹ đất sử dụng không hiệu quả, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Nhiều địa chỉ sai phạm, nhiều sai phạm đã kéo dài nhưng việc xử lý chưa dứt điểm. Trong khi đó, rất nhiều công trình dự án, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm huyết muốn đầu tư nhưng lại bị vướng.
Nguyên nhân thứ ba là nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, trong đó nhiều vấn đề chưa được luật hóa để đảm bảo khung pháp lý trong tổ chức thực hiện.
Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể công tác quản lý sử dụng tài nguyên đất trên phạm vi cả nước gắn với triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
"Chúng tôi rất quan ngại về việc xây dựng quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư còn nặng về gia tăng dân số, về tầng cao, về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, tận thu và gây quá tải cho hạ tầng đô thị mà chưa quan tâm đúng mức đến chiến lược, sự riêng có, sự độc đáo, tiềm năng của từng vùng, từng miền...", bà Hạnh nói.
Ngoài ra, đại biểu Bình Định cũng cho rằng cần rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật cho đồng bộ, phù hợp. Theo đó, hiện nay giữa Luật Đất đai và một số luật chuyên ngành như Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu... còn tồn tại nhiều điểm chưa đồng bộ.
Việc định giá đất, dự báo thị trường công khai, minh bạch thông tin trong quy hoạch, việc triển khai thực hiện các đầu tư theo hình thức BT... cũng được đề xuất phải chặt chẽ hơn để tránh sự thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Một vấn đề khác được bà Hạnh đặt ra trong phiên họp là tình trạng một số người Việt Nam đứng tên để mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất có yếu tố nước ngoài.
"Tôi cho rằng đây là hiện tượng cần hết sức cần hết sức quan tâm đến", bà Hạnh nhấn mạnh.
Vấn đề về tính pháp lý của căn hộ du lịch cũng được đặt ra.
Cũng liên quan đến công tác quản lý đất, tài sản gắn với đất, đại biểu Bình Định nêu: "Trong thực tế có một số địa phương giao đất cho các nhà đầu tư để xây dựng căn hộ du lịch với hình thức đất ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Theo báo cáo giám sát, đây là vấn đề chưa phù hợp với quy định. Tuy nhiên, đây là vấn đề thực tế đã đặt ra trong vấn đề quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương".
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý để quản lý tốt những vấn đề này.