Đại diện 3 cơ quan nói về trách nhiệm quản lý pate Minh Chay
Ngày 4/9, trả lời câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan vụ pate Minh Chay gây ngộ độc, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nói hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm của Việt Nam hiện hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Trong đó, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến bán buôn, chợ đầu mối, chuyên doanh về nông lâm thủy sản.
Hoạt động bán lẻ ở siêu thị, trung tâm thương mại thuộc phạm vi quản lý của nghành công thương. Còn thực phẩm trong nhà hàng khách sạn, thức ăn đường phố, căng tin, bếp ăn tập thể là của ngành y tế quản lý.
"Ở các nước cũng như vậy, không một cơ quan nào đảm trách được toàn bộ nhiệm vụ liên quan đến an toàn thực phẩm", ông Tiệp nói và cho rằng các ngành y tế, nông nghiệp hay công thương không thể tự đảm trách lĩnh vực này mà phải phối hợp với nhau.
Với trường hợp pate Minh Chay, ông Tiệp nói theo quy định pháp luật khi xảy ra ngộ độc thì Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để xử lý.
"Công đoạn sản xuất, bán buôn, ngành nông nghiệp phải có trách nhiệm; còn điều trị người bệnh là y tế. Tương tự, việc thu hồi sản phẩm tại các nhà hàng, khách hàng của ngành y tế; ngành công thương thu hồi sản phẩm ở siêu thị, trung tâm thương mại. Phân công như vậy là rất rõ", ông Tiệp nói.
Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, "trách nhiệm quan trọng nhất là UBND các cấp", vì Bộ làm chính sách pháp luật, kiểm tra công vụ, hỗ trợ đào tạo cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ chứ "không thể làm thay".
Trong khi đó, từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Minh Hùng - Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội, cho rằng trách nhiệm chính trong cấp phép, hậu kiểm ngành hàng sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc về ngành nông nghiệp; ngành y tế quản lý về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, là cơ quan quản lý Nhà nước với chức năng chính là kiểm tra, kiểm soát thị trường thì lực lượng quản lý thị trường cũng "có phần trách nhiệm".
Theo ông Hùng, doanh nghiệp sản xuất pate Minh Chay được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản từ đầu năm 2020, nhưng mới hoạt động sản xuất từ đầu tháng 7. Giữa tháng 7, đội quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm soát, làm việc với doanh nghiệp, yêu cầu ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và "không phát hiện gì bất thường".
Về trách nhiệm của ngành y tế, tiến sĩ Nguyễn Hùng Long - Cục phó An toàn thực phẩm (Bộ y tế) cho hay, Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (doanh nghiệp sản xuất pate Minh Chay) được ngành nông nghiệp Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm. Ông Long bác bỏ thông tin cho rằng Cục xử lý chậm trễ vụ pate Minh Chay và cho hay "quá trình điều tra, xét nghiệm, rồi đưa ra cảnh báo tới người dân phải theo đúng quy định hiện hành".
Trước đó, ngày 29/8 Cục an toàn thực phẩm phát đi cảnh báo độc tố botulinum trong pate Minh Chay, cảnh báo đưa ra sau 10 ngày xuất hiện thông tin nghi ngờ đầu tiên. Khi cảnh báo được đưa ra, 9 bệnh nhân đã nhập viện do ngộ độc pate Minh Chay, gồm hai ở Hà Nội và 7 ở TP HCM.
Cũng trong ngày 4/9, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, trả lời về vụ ngộ độc do pate Minh Chay, các thứ trưởng Y tế và Công Thương đều nói sản phẩm pate Minh Chay không thuộc quản lý của hai bộ này.
Thông tin đầu tiên về nghi ngờ ngộ độc pate Minh Chay do vi khuẩn Clostridium botulinum được Bệnh viện Bạch Mai nêu ra ngày 19/8.
Cơ quan an toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở sản xuất pate Minh Chay tại Đông Anh, Hà Nội và ra lệnh đình chỉ sản xuất. Mẫu pate nguyên hộp và pate do bệnh nhân ăn dở đều được gửi xét nghiệm.
Ngày 28/8, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia và Viện Y tế công cộng TP HCM đều công bố kết quả cho hay các mẫu pate Minh Chay nguyên hộp chứa loại vi khuẩn yếm khí tạo độc tố botulinum - loại độc cực mạnh gây tác động vào đầu dây thần kinh khiến liệt cơ, có thể dẫn đến chết người.