Dầu “hạ nhiệt” nhờ triển vọng nới lỏng lệnh trừng phạt Iran, châu Á “háo hức” chờ nối lại đường dầu từ Tehran
Hiện tại, giá dầu Brent giao sau giảm 2 USD, tương đương -1,80% xuống 91,33 USD/thùng, kéo dài mức giảm 1,9% so với phiên trước.
Giá dầu thô WTI cũng giảm 2,2 USD, tương đương -1,93% xuống 90,06 USD/thùng, sau khi trượt 2% trong phiên trước.
Như vậy, dầu thô thế giới đang hướng tới mức giảm hàng tuần đầu tiên trong 9 tuần do kỳ vọng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới sẽ hồi sinh. Dù lo ngại về khả năng Nga xâm lược Ukraine làm gián đoạn nguồn cung vẫn còn rất lớn.
Các nhà ngoại giao cho biết dự thảo thỏa thuận phác thảo một quy trình các bước đàm phán để miễn trừ các lệnh trừng phạt dầu mỏ. Điều đó sẽ mang lại khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường, nhưng thời gian áp dụng còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, giới phân tích chưa kỳ vọng giá sẽ giảm nhiều ngay trong thời gian tới vì nhu cầu dầu vẫn lớn trong thời gian phục hồi sau đại dịch.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank (CBA) cho biết: "Với nhu cầu dầu cũng đang phục hồi khi hoạt động đi lại bằng đường hàng không và giao thông đường bộ tăng lên, dầu Brent có thể sẽ giữ trong khoảng 90 đến 100 USD/thùng trong ngắn hạn. Thậm chí có thể lên đến trên 100 USD "khá dễ dàng" nếu căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine."
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, OPEC +, còn đang vật lộn để đạt được các mục tiêu sản xuất của họ.
Trong bối cảnh dầu Iran có thể được trở lại, các nhà máy lọc dầu châu Á, những người mua dầu lớn truyền thống của Iran, đang rất mong chờ được tiếp tục nhập khẩu từ Iran. Vì dầu Iran sẽ mở đường cho nguồn cung nhiều hơn trên thị trường toàn cầu và "làm mềm" giá cả.
Trước đó, hầu hết các nhà máy châu Á đã phải ngừng nhập khẩu dầu của Iran vào năm 2019. Điều này là do cựu Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.
Sau khi cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Hoa Kỳ về thỏa thuận hạt nhân đã được nối lại vào tuần trước, khối cường quốc châu Á đang rục rịch nối lại đường dầu từ Iran gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Hàn Quốc, trước đây là một trong những khách hàng dầu mỏ hàng đầu của Tehran ở châu Á, cho biết đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc nối lại nhập khẩu dầu thô của Iran và giải phóng quỹ của Iran.
Một nhà máy lọc dầu lớn của Hàn Quốc cho biết dầu thô của Iran có giá thành cạnh tranh và dễ chế biến so với các loại dầu khác như dầu Mexico. Hơn nữa, do đã từng sử dụng dầu thô từ Iran nên nhà máy Hàn Quốc không cần phải kiểm tra dầu tại các cơ sở khi quyết định nối lại thương mại dầu.
Khối công nghiệp lọc dầu từ Ấn Độ, khách hàng số 2 của Iran, cũng đang đàm phán với Iran để tìm nguồn cung cấp dầu. Ấn Độ cũng đang chờ đợi sự rõ ràng hơn về thỏa thuận hạt nhân để có thể trở lại mua dầu của Iran sớm nhất.
Ở Nhật Bản, chủ tịch tập đoàn lọc dầu hàng đầu nước mặt trời mọc, Eneos Holdings Inc (5020.T), đang xem xét nối lại nhập khẩu dầu từ Iran nếu đạt được thỏa thuận khôi phục thương mại với Iran.
Chủ tịch Eneos Tsutomu Sugimori cho biết, sẽ mất khoảng 2-3 tháng để tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran sau khi một thỏa thuận về thỏa thuận hạt nhân được đưa ra. Lý do là vì nhà máy lọc dầu sẽ cần thực hiện nhiều thỏa thuận khác nhau như bảo hiểm và vận chuyển.
Thực tế là, dù vẫn lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực, Iran đã vẫn xuất khẩu lưu thông dầu bằng cách che giấu nguồn gốc của các lô hàng.
Và Trung Quốc chính là khách hàng lớn nhất của Iran. Tháng 12/2022, hải quan Trung Quốc đã báo cáo đợt nhập khẩu dầu thô đầu tiên của Iran trong năm lên tới 1,9 triệu thùng chỉ trong một tháng.
Galimberti, Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, nhận định những hy vọng về dầu Iran trở lại đang giúp thị trường dầu dịu đi rõ nét. "Mặc dù chưa phải là một thỏa thuận chính thức, nhưng thị trường dầu đang nhìn thấy triển vọng nguồn cung Iran bổ sung đến 900.000 thùng dầu/ngày vào cuối năm nay" – trích từ phát biểu của ông Claudio.