Đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2023: Giá cả leo thang tạo khoảng rủi ro lớn
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu Phương Đông cho biết, giá gạo hiện ở mức 16.000 - 16.500 đồng/kg, nhưng giá gạo trúng thầu chỉ có 13.100 đồng/kg (bao gồm cả VAT). Như vậy, 1.000 tấn gạo thì DN đã lỗ tới 3 - 3,5 tỷ đồng, chưa kể những chi phí khác…
Giá gạo tăng, nỗi lo nhân đôi
Nhằm tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG), đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách, 22 cục dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực đã và đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 220.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2023. Trong diễn biến mới nhất, Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh vừa lựa chọn được nhà thầu thực hiện 4 trong số 7 gói thầu mua gạo thuộc Kế hoạch mua 10.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2023. Cục DTNN Thái Bình cũng vừa lựa chọn được nhà thầu thực hiện 3 gói thầu cung cấp 3.800 tấn gạo DTQG thuộc Dự án Mua 7.500 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2023. “Cục đã ký hợp đồng với Công ty CP Thương mại Minh Khai để thực hiện Gói thầu số 03 và Gói thầu số 06; Gói thầu số 02 do Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương trúng thầu cũng đang chuẩn bị ký hợp đồng”, cán bộ Cục DTNN Thái Bình cho biết.
Theo các thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty CP Lương thực Hà Nam trúng Gói thầu giá 20,96 tỷ đồng, số lượng cung cấp là 1.600 tấn. Công ty TNHH TM Tổng hợp Thành Lợi trúng thầu gói thầu với giá trúng thầu 13,098 tỷ đồng, lượng gạo cung cấp 1.000 tấn. Thời gian thực hiện 2 gói thầu này không quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, thời gian hoàn thành nhập gạo tối đa đến hết ngày 15/10/2023. Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương trúng thầu với giá 17,685 tỷ đồng, lượng gạo cung cấp là 1.350 tấn; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Khải Minh trúng Gói thầu giá 18,333 tỷ đồng, lượng gạo cung cấp là 1.400 tấn…
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh cho biết, phần lớn gói thầu đã được ký kết hợp đồng. “Các hợp đồng đều quy định tiến độ nhập hàng, song nhà thầu có cung cấp đủ số lượng gạo theo hợp đồng hay không trong bối cảnh giá gạo đang tăng nhanh như hiện nay thì chúng tôi không dám chắc”, ông chia sẻ lo lắng.
Không chỉ Cục DTNN lo lắng, các nhà thầu cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi giá lúa, gạo tăng mạnh do diễn biến thị trường trong nước đồng điệu với đà tăng quốc tế. Chẳng tại, tại An Giang, giá lúa IR 50404 hiện hành là 6.900 - 7.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Lúa Đài thơm 8 có giá 6.900 - 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Cùng lúc, lúa OM 5451 được thương lái thu mua với giá 7.100 - 7.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu Đông Phương cho biết, năm nay, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia chậm hơn mọi năm. Cùng với đó, quá trình chấm thầu lựa chọn nhà thầu cũng mất nhiều thời gian và ngày 1/8/2023 mới công bố kết quả lựa chọn nhà thầu khiến các DN nói chung, Đông Phương nói riêng không chủ động mua hàng được. “Chúng tôi chỉ dám mua hàng khi đã trúng thầu, nên ở tình thế bị động với biến động giá”, ông nói.
Cũng chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Chu Đình Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Thành Lợi cho biết, chưa kịp mừng vì trúng thầu thì đã đầy ắp nỗi lo khi giá gạo tăng cao ngoài dự kiến. Theo tính toán của Công ty Thành Lợi, việc giá gạo thị trường đang chênh lệch lớn so với giá trúng thầu cung cấp gạo DTQG có thể khiến nhiều nhà thầu không hoàn thành được hợp đồng đã ký, bởi cứ cung cấp 1.000 tấn gạo là nhà thầu lỗ khoảng 2 - 3 tỷ đồng.
Cách nào giải bài toán gạo dự trữ quốc gia?
Tổng cục DNNN cho biết, nhằm bảo đảm nhà thầu thực hiện hợp đồng cung cấp gạo, tại các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Tổng cục giao Cục trưởng các Cục DTNN khu vực căn cứ giá gói thầu để tính toán, quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng cụ thể cho từng gói thầu. Đối với gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng, giá trị bảo đảm dự thầu bằng 3% giá gói thầu. Đối với gói thầu có giá trị không quá 10 tỷ đồng, giá trị bảo đảm dự thầu bằng 1,5% giá gói thầu. Theo đó, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng không thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng sẽ bị tịch thu bảo đảm dự thầu theo quy định.
Các DN trúng thầu cung cấp gạo DTQG dự kiến sẽ làm văn bản kiến nghị lên Cục DTNN khu vực cũng như Tổng cục DTNN, đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN gạo trúng thầu.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, nhà thầu được đánh giá uy tín thông qua việc tham dự thầu và thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Những nhà thầu có “tỳ vết” thì điểm đánh giá về uy tín so với các nhà thầu khác chắc chắn sẽ thấp hơn, điều này đồng nghĩa với cơ hội trúng thầu trong tương lai sẽ giảm đi. Đặc biệt, quy định về đánh giá uy tín nhà thầu đã được luật hóa tại Luật Đấu thầu 2023.
Với những chế tài mạnh như vậy, hy vong các nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo DTQG sẽ không tái diễn tình trạng bên trúng thầu trì hoãn, chậm hoặc từ chối hợp đồng như năm 2020. Điều này, một mặt góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của nhà thầu với đất nước, từ đó gia tăng niềm tin, uy tín của nhà thầu, thúc đẩy doanh nghiệp và đất nước phát triển.
Trong khi đó về phía nhà thầu, Công ty TNHH TM Tổng hợp Đông Phương cho biết, các DN trúng thầu cung cấp gạo DTQG dự kiến sẽ làm văn bản kiến nghị lên Cục DTNN khu vực cũng như Tổng cục DTNN, đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN gạo trúng thầu. “Trong lúc khó khăn như thế này, chúng tôi mong Nhà nước có chính sách trợ giá cho các DN trúng thầu cung cấp gạo DTQG để DN không bị lỗ quá lớn hoặc có thể tính tới giải pháp hạn chế xuất khẩu gạo để bình ổn giá trong nước”, bà Ngô Thị Bích Tho, đại diện Công ty TNHH TM Tổng hợp Đông Phương đề xuất.