Đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng rừng, thành phố Tam Kỳ hướng tới "thủ phủ xanh"

08/05/2024 08:09 GMT+7
Việc trồng rừng nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học với mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng Tam Kỳ - Thủ phủ xanh...

Ngày 7/5, UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ban hành kế hoạch trồng rừng, phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố trong năm 2024 – 2025.

Theo đó, thành phố Tam Kỳ sẽ trồng rừng phòng hộ vùng đông như trồng thay thế, cải tạo rừng phòng hộ chắn gió, cát, chống sạt lở ven sông, ven biển; trồng cây rừng gỗ lớn ở các vùng gò, đồi, núi (Tam Phú, Tam Thanh, An Phú, Tam Thăng), diện tích 27,10ha, với các loại cây bàng vuông, nho biển, xoan, tràm gió, dừa cao, lim, giỗi, thông nhựa...

Đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng rừng, thành phố Tam Kỳ hướng tới "thủ phủ xanh"- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ TN&MT và lãnh đạo Tam Kỳ trồng cây xanh tại khu vực Sông Đầm. Ảnh: T.H

Trồng cây xanh để thích ứng biến đổi khí hậu tại các khu vực hồ ven sông Sông Đầm (Tam Thăng, An Phú, Tam Phú), diện tích 3,87ha, với các loại cây bán ngập nước như tràm ta, dừa nước, mù u, tràm gió, lộc vừng, tre đồng, cừa...

Trồng rừng và chăm sóc tại các đồi núi (Tam Ngọc, Tam Phú, An Phú), với 15,48ha, tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Đối với nguồn xã hội hóa trong nhân dân và trồng rừng sản xuất với 50ha, kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng rừng, thành phố Tam Kỳ hướng tới "thủ phủ xanh"- Ảnh 2.

Nhiều tuyến phố ở thành phố Tam Kỳ đã phủ xanh cây nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng Tam Kỳ - Thủ phủ xanh. Ảnh: T.H

"Việc trồng rừng này nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học với mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng Tam Kỳ - Thủ phủ xanh.

Bên cạnh đó còn nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng và giá trị của cây xanh.

Việc trồng rừng phòng hộ cảnh quan gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai. Phát huy vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp; huy động sự tham gia vào cuộc của các đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân.

Ngoài ra, còn triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 2363 của UBND tỉnh Quảng Nam và kế hoạch số 110 của UBND thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 hoàn thành và vượt chỉ tiêu 1,06 triệu cây xanh theo đề án "trồng mới 1 tỷ cây xanh" của Chính phủ…", lãnh đạo thành phố Tam Kỳ cho biết.

Liên quan đến việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái, mới đây, UBND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam đã tổ chức lễ phát động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm Hồ sông Đầm gắn với trồng các loại cây và thả các loại giống tôm, cá,... để tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn, phục hồi, phát triển hệ sinh thái đất ngậm nước và đa dạng sinh học Sông Đầm chính thức diễn ra vào cuối tháng 3/2024.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng rừng, thành phố Tam Kỳ hướng tới "thủ phủ xanh"- Ảnh 3.

Những đàn cò bay về với hệ sinh thái ở Sông Đầm, Tam Kỳ. Ảnh: trang tam kỳ

Đại diện UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, việc phát động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm Hồ sông Đầm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và truyền thông về bảo vệ, đánh bắt hợp lý nguồn lợi thuỷ sản; góp phần phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên góp phần phát triển hệ sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản, nhất là các loài thủy sản bản địa quý, hiếm; duy trì, phát triển đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sinh vật và phát triển bền vững, đặc biệt trên hệ thống hồ Sông Đầm. 

Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẽ trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy sự đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng khu vực.

Trương Hồng
Cùng chuyên mục