“Đấu” với Trung Quốc chưa xong, Mỹ tạm “đình chiến” với EU
Lĩnh vực nông nghiệp mới là đích hướng tới trong đàm phán thương mại Mỹ - EU?
Sau cuộc chiến thuế với hàng hóa Trung Quốc, mọi con mắt đang chuyển sang một cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và châu Âu. Tổng thống Trump đã đe dọa vào đầu năm ngoái rằng ông sẽ áp thuế 25% đối với xe ô tô nhập khẩu từ Liên minh châu Âu. Thời điểm Tổng thống Trump đưa ra quyết định dự kiến vào ngày 18/5.
Tuy nhiên hôm 16/5, kênh CNBC có thông tin rằng Nhà Trắng có kế hoạch lùi thời hạn đánh thuế ô tô thêm 6 tháng nữa. Các nhà làm luật Mỹ đã hối thúc Tổng thống Donald Trump hoãn việc đánh thuế này giữa lúc căng thẳng thương mại với Trung Quốc còn đang leo thang và chưa rõ kết cục.
Đánh thuế ô tô để có ưu thế về lĩnh vực nông nghiệp
Theo các chuyên gia, cuộc chiến với ô tô EU chưa hẳn đã là mục đích cuối cùng. Đánh thuế với ô tô chỉ là bước đệm để tiến tới một thỏa thuận lớn hơn về nông nghiệp, theo David Hauner chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch.
“Chúng tôi nghĩ rằng ít nhất sẽ có một vài nỗ lực gây sức ép của Mỹ để có được sự nhượng bộ từ châu Âu. Điều này không sẽ rất khó khăn nếu Trump thực sự bắt đầu một cuộc thảo luận về lĩnh vực nông nghiệp”, chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch nhận định trên kênh CNBC.
“Thuế ô tô có thể chỉ là một bước đệm, như một “con ngựa thành Troja” để tiến tới các cuộc thảo luận về nông nghiệp. Bởi lẽ đây mới là lĩnh vực quan trọng nhất giữa Hoa Kỳ và Châu Âu. Nông nghiệp ở châu Âu là vấn đề rất rất nhạy cảm về mặt chính trị”.
Nông dân - thành phần chính trị quan trọng của Trump - đã bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và điều đó có khả năng là mối lo ngại cho ông Trump trước cuộc bầu cử lại năm 2020.
Kể từ khi đe dọa thuế quan đối với ô tô châu Âu, Tổng thống Trump đã gặp chủ tịch Ủy ban châu Âu và cả hai quyết định tìm kiếm một thỏa thuận về thương mại và tránh thuế quan. Gần một năm kể từ cuộc gặp này, hai bên vẫn chưa bắt đầu đàm phán thương mại chính thức. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ tăng đánh thuế lên Trung Quốc là một tín hiệu cho EU.
Nếu Mỹ và EU chỉ đàm phán liên quan đến ô tô, hai bê có thể đi đến một thỏa thuận. Tuy nhiên nếu cuộc thảo luận bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, nó sẽ thực sự rất nguy hiểm”, David Hauner nhận định.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Mỹ nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các nước EU là 23,9 tỷ USD trong năm 2018, trong khi xuất khẩu hàng hóa nông sản sang EU chỉ là 13,5 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ EU đạt 56,4 tỷ USD. Nhìn chung, thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước EU là 169,3 tỷ USD trong năm 2018, tăng 11,8% so với năm 2017.
Nước Đức bị tác động mạnh nhất
Bất kỳ hành động áp thuế nào của Mỹ đối với ô tô châu Âu cũng sẽ tác động mạnh nhất đến ngành công nghiệp ô tô của Đức. Mỹ là thị trường xuất khẩu đơn lẻ quan trọng nhất của Đức sau các nước trong cùng khối.
Mẫu xe T-Cross của Volkswagen trong bệ nâng trong tháp xe hơi trong khuôn viên nhà máy.
“Hiện Đức cũng đã là quốc bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tới 47% GDP của Đức là xuất khẩu mà phần lớn trong số đó là với hai đối tác thương mại nói trên. Nếu Mỹ, Trung nổ ra cuộc chiến thương mại toàn diện, Đức có lẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Đó là phân tích của Mark Phelps, giám đốc đầu tư tại AllianceBernstein.
Các chuyên gia ước tính rằng ngay khi Mỹ đánh thuế ô tô EU, cổ phiếu các công ty sản xuất ô tô Đức có thể sụt giảm tới 12% chỉ trong 3 ngày. Quyết định này có thể được công bố lúc nửa đêm thứ Sáu (giờ Washington). Điều này có thể sẽ làm kinh tế Đức tổn thương, trong khi nước này lại là động lực tăng trưởng chính của EU.
Christoph Schon, giám đốc điều hành của Axioma, một công ty tư vấn quản lý rủi ro cho rằng, thị trường chứng khoán Đức có thể giảm tới 6%, ngành ô tô và linh kiện có thể giảm tới 12% trong khoảng thời gian ba ngày, hoặc từ hơn năm đến 10 phiên giao dịch.
EU đã thực hiện mọi nỗ lực để tránh bị đánh thuế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tới Hoa Kỳ vào năm ngoái và đồng ý với Tổng thống Trump đưa mức thuế hiện tại về 0% đối với hàng hóa ngoài ô tô và mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận thương mại. Sự leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã khiến châu Âu hốt hoảng. Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump sẽ giữ lập trường mạnh mẽ chống lại EU.
“Nếu Mỹ đánh thuế lên ô tô EU, chúng tôi có thể phải vứt bỏ hoàn toàn các dự báo kinh tế. Sẽ không có bất kỳ cơ hội tăng trưởng đáng tin cậy nào trong nửa cuối năm nay”, Florian Hense, nhà kinh tế học châu Âu tại ngân hàng Berenberg nói. Nền kinh tế của khu vực đồng euro đã hụt hơi gần đây, khi số liệu sản xuất và tăng trưởng yếu hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thậm chí đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay. Tăng trưởng của EU rất nhạy cảm với các cú sốc bên ngoài do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.