Đây là cách Nga muốn tận dụng căng thẳng Trung Úc để kiếm tiền!

11/03/2021 13:51 GMT+7
Tờ SCMP mới đây dẫn lời các nhà phân tích cho hay Nga đang đặt mục tiêu tăng xuất khẩu than sang Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách đa dạng hóa nguồn cung than khi căng thẳng với Canberra leo thang.

Trung Quốc cho đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Nhưng kể từ tháng 5/2020, cán cân thương mại Nga - Trung Quốc đã chuyển từ thặng dư sang thâm hụt, phần lớn do kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ và khí đối giảm, trong khi nhập khẩu máy móc và thiết bị điện gia tăng, trích nhận định của nhà kinh tế học Liam Peach từ Capital Economics.

"Thâm hụt thương mại sẽ còn lớn hơn nếu không có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu kim loại đồng, quặng và một số mặt hàng khác từ Nga sang Trung Quốc, vốn được thúc đẩy bởi sự phục hồi dòng đầu tư của Trung Quốc và giá kim loại công nghiệp tăng" - ông Liam Peach nói thêm. Tính đến cuối năm 2020, thâm hụt thương mại Nga - Trung Quốc đã lên tới 5,84 tỷ USD.

Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Úc kể từ quý IV/2020, khi quan hệ Bắc Kinh - Canberra rạn nứt. Nguyên nhân được cho là do chính phủ Úc khuyến khích một cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc, làm bùng lên cuộc chiến ngôn luận giữa các chính khách Bắc Kinh và Canberra. Bắc Kinh sau đó ban hành hàng loạt hạn chế nhập khẩu với các mặt hàng quan trọng của Úc, từ yến mạch, thịt bò, tôm hùm đến rượu vang và than đá.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và các biện pháp khóa cửa được nới lỏng ở Nga, Moscow đang tìm cách tăng cường kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang Trung Quốc nhằm cân bằng lại cán cân thương mại đã thâm hụt vào năm ngoái. Trong đó, than đá là mặt hàng được quan tâm đầu tiên.

Đây là cách Nga muốn tận dụng căng thẳng Trung Úc để kiếm tiền! - Ảnh 1.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và các biện pháp khóa cửa được nới lỏng ở Nga, Moscow đang tìm cách tăng cường kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang Trung Quốc

Nhà phân tích Madina Khrustaleva từ TS Lombard nhận định: “Khi kim ngạch nhập khẩu than Úc của Trung Quốc dự kiến giảm, Nga có cơ hội thế chân bằng việc xuất khẩu than từ các mỏ khai thác nội địa”. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với Nga là công tác vận tải.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều than hơn từ Nga, Mông Cổ và Indonesia; với tổng lượng than nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục 304 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2019, theo Fitch Ratings.

“Nga rõ ràng đang tích cực thúc đẩy vị thế thế chân than nhập khẩu từ Úc. Đà tăng của giá dầu cũng có lợi cho Nga. Nhìn chung, các xu hướng gần đây đều mang đến tin tốt cho Nga. Nhưng điều này cũng mang ý nghĩa Nga đang ngày càng gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong dài hạn, đây là một tin xấu” - nhà kinh tế trưởng Alicia García-Herrero từ Natixis cho hay.

Các sản phẩm năng lượng chiếm tới 65-70% tổng kim ngạch thương mại giữa Nga với Trung Quốc. Xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu năng lượng của Nga tại thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Vào năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, con số này đã tăng vọt lên 20%, theo Capital Economics.

Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tăng cường xuất khẩu than từ mỏ than Kuzbass, tây nam Siberia sang châu Á. Ông Putin cũng thúc đẩy mở rộng cơ sở hạ tầng đường sắt của quốc gia để phục vụ việc vận chuyển và xuất khẩu than, theo Wood Mackenzie. Nga đã và đang hiện đại hóa mạng lưới đường sắt Baikal-Amur và xuyên Siberia quan trọng, trong khi các công ty than của Nga tích cực mở rộng liên doanh với các công ty Trung Quốc để tăng cường hoạt động xuất khẩu than.

Chẳng hạn; Elgaugol, nhà phát triển mỏ than Elga ở đông nam Yakutia, Nga tiết lộ hồi tháng 12 về việc thành lập một liên doanh với Fujian Guohang Ocean Shipping của Trung Quốc. Với liên doanh này, hai bên đặt tham vọng tăng nguồn cung than sang Trung Quốc từ 1-1,5 triệu tấn trong năm 2021, lên mức 15-18 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ đạt tới hơn 30 triệu tấn vào năm 2023.

Nhưng bất chấp quan điểm ngoại giao thống nhất giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin trong việc chống lại Mỹ, thực tế cho thấy vẫn chưa có cải thiện đáng kể trong quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Moscow. Năng lượng chỉ là một trong số ít những ngành được hưởng lợi từ sự “phá băng” hạn chế giữa hai nền kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục