ĐBQH chuyển đơn kiến nghị Phó Thủ tướng thu hồi Thông tư 31 về sữa học đường
Theo văn bản của ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đại biểu Quốc hội đã nhận được đơn kiến nghị có nội dung: Kiến nghị xem xét yêu cầu thu hồi Thông tư số 31/2019/TT-BYT ngày 5/12/2019 của Bộ Y tế do chưa phù hợp quy định của Luật An toàn thực phẩm, chưa đánh giá đầy đủ cơ sở khoa học của việc áp đặt bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường, có dấu hiệu lợi ích nhóm, ảnh hưởng nghiêm trọng chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, gây bức xúc dư luận xã hội.
Ngoài ra, trong văn bản trên, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đề cập những dấu hiệu bất thường của việc ban hành Thông tư 31 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký. Theo các chuyên gia pháp lý, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2019/TT-BYT có dấu hiệu trái với quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 và Khoản 1, Điều 10 Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế muốn ban hành quy định tăng cường vi chất vào sữa tươi cho chương trình sữa học đường thì trước hết phải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho sản phẩm sữa tươi tăng cường vi chất. Dự thảo QCVN này phải được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định theo điểm b, khoản 1, Điều 27, Chương III, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chứ không phải dựa vào bất kỳ báo cáo nào từ Viện Dinh dưỡng mà có thể tùy tiện tăng cường vi chất trái luật như cách Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2019/TT-BYT.
Thông tư 31/2019/TT-BYT ban hành danh mục, hàm lượng 21 vi chất mới chỉ thỏa mãn quy định tại Khoản 3, Điều 13, Chương III, Luật An toàn thực phẩm, nhưng muốn tăng cường vào sữa tươi cần có QCVN đáp ứng Khoản 2, Điều 13, Chương III, Luật An toàn thực phẩm về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
Mặt khác, việc muốn tăng cường 1 vi chất vào 1 loại thực phẩm, phải thông qua một nghị định của Chính phủ để có sự tham gia của nhiều bộ ngành liên quan mới có cơ sở khoa học và pháp lý để triển khai.
Thế nhưng, khi ban hành Thông tư số 31, theo một lãnh đạo Vụ Pháp chế của Bộ Y tế, Vụ Pháp chế không được giao thẩm định Dự thảo Thông tư và trình lãnh đạo Bộ ký theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, toàn văn dự thảo Thông tư (nhất là phần bổ sung 21 vi chất) không được đăng lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế như luật định; không lấy ý kiến đầy đủ của các đối tượng chịu sự tác động; không được giao thẩm định dự thảo thông tư trước khi ông Trương Quốc Cường ký ban hành...