Đề xuất giao Chính phủ quyết định mặt hàng, thời gian bình ổn giá
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi do Bộ Tài chính phụ trách, cơ quan này cho biết bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Theo đó, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất những quy định chi tiết hơn những nguyên tắc bình ổn giá và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá.
Trong đó, có trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp.
Trên cơ sở đó, để khắc phục hạn chế hiện nay, tại dự thảo Luật đã đề xuất nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết, để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Cơ bản danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiết sẽ được rà soát dựa trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện nay để kế thừa, điều chỉnh phù hợp.
Xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu
Tại dự thảo Luật cũng đề xuất cơ chế để xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định. Trong đó, dự thảo đề xuất cho phép Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục, để áp dụng trong thời hạn nhất định trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh.
Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách, trong đó có đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Bộ Tài chính cho biết hiện chỉ có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn, để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Dự thảo Luật Giá cũng đề xuất điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá. Theo đó, việc kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời những diễn biến về giá, để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết.
Việc điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá cũng được đưa vào dự thảo Luật Giá lần này. Điều này giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.
Nhằm cụ thể hóa biện pháp áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định và cam kết quốc tế, dự thảo Luật Giá đã đề xuất xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền trong trường hợp cơ quan Nhà nước quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá.
Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và tổ chức thực hiện bình ổn giá
Tại dự thảo Luật Giá hiện nay cũng quy định khi hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước.
Trước tiên là kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hoá tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp. Tiếp đến là lựa chọn, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định. Cuối cùng tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện biện pháp bình ổn giá.
Tại dự thảo Luật cũng đề xuất phân định rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương bình ổn giá của Thủ tướng, UBND cấp tỉnh. Thẩm quyền đề xuất chủ trương bình ổn giá của Bộ Tài chính, Sở Tài chính. Thẩm quyền trong việc thực hiện kiểm tra, đề xuất biện pháp bình ổn giá và tổ chức thực hiện của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các Sở quản lý ngành, lĩnh vực.
Các quy định này được kỳ vọng sẽ tạo sự rành mạch trong trách nhiệm của các cấp khi tổ chức thực hiện bình ổn giá, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả biện pháp bình ổn giá như mục đích, nội dung chính sách đã đề ra.