Đến lượt doanh nghiệp Đài Loan tháo chạy khỏi Trung Quốc

17/05/2019 09:52 GMT+7
Đài Loan có rất nhiều công ty hoạt động tại Trung Quốc, chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, mặt hàng có thể bị đánh thuế 25% từ tháng 7 tới

Ảnh: Nhà máy Foxconn ở Guiyang, Trung Quốc, đã sản xuất 16 triệu điện thoại thông minh cho Nokia và Huawei vào năm 2017.

Các công ty Đài Loan cung cấp 90% linh kiện cho máy tính xách tay cho ba thương hiệu PC lớn nhất của Mỹ và lắp ráp hầu hết các PC ở Trung Quốc.

Trong khi đó vòng đánh thuế tiếp theo của Mỹ, có thể có hiệu lực vào tháng 7, sẽ bao gồm thuế 25% đối với các sản phẩm điện tử được lắp ráp tại Trung Quốc. Do vậy sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ làm tổn thương Đài Loan nhiều hơn các nước châu Á khác vì lần đầu tiên máy tính và điện tử tiêu dùng sẽ bị đánh thuế cao.

Theo các dự báo, mức thuế mới có thể làm giảm tăng trưởng của Đài Loan trong năm nay xuống chỉ còn 1%. Mức thuế lên tới 25% đối với các sản phẩm điện tử được lắp ráp tại Trung Quốc - bao gồm cả PC và điện thoại thông minh - sẽ làm giảm đơn đặt hàng từ các thương hiệu Mỹ và do đó cắt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm và linh kiện từ các công ty Đài Loan ở Đài Loan và Trung Quốc.

Ba thương hiệu PC hàng đầu của Mỹ do các công ty Đài Loan cung cấp tới 90% linh kiện để lắp ráp tại Trung Quốc thành các sản phẩm hoàn chỉnh.

Brady Wang, phó giám đốc của công ty phân tích thị trường Counterpoint Research tại Đài Bắc cho biết “đợt tăng thuế quan tiếp theo sẽ có tác động rất lớn đến máy tính và chuỗi cung ứng. Điều này khác hoàn toàn với đợt tăng đầu tiên năm 2018”.

Một nghiên cứu khác của TrendForce, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Đài Bắc Danh, cho rằng đợt tăg  thuế quan thứ tư của Mỹ sẽ tác động mạnh nhất đến Đài Loan vì bao gồm cả sản phẩm máy tính xách tay. Trong một phân tích đưa ra hôm thứ Ba vừa rồi, TrendForce cho rằng khi áp dụng thuế quan đối với máy tính xách tay, các thương hiệu Mỹ sẽ bắt đầu mất sức cạnh tranh do chi phí tăng từ thuế quan, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và lợi nhuận.

Các nhà thầu Đài Loan là Compal Electronics, Quanta Computer và Wistron có thể là trung tâm khủng hoảng trong thảm họa này. Quanta, một công ty 31 tuổi có vốn thị trường 6,9 tỷ USD, lắp ráp máy tính xách tay cho Apple và Hewlett-Packard tại Trung Quốc. Compal, ra mắt năm 1984, với vốn hóa thị trường khoảng 3 tỷ USD, lắp ráp PC cho Dell và thương hiệu Trung Quốc Lenovo. Wistron nhỏ hơn cũng lắp ráp PC tại Trung Quốc.

Danh sách thuế quan mới của Mỹ bao gồm máy tính xách tay cũng bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, màn hình video và thiết bị truyền hình. Do đó các công ty như Hon Hai Precision có trụ sở tại Đài Loan (Foxconn Technology) và Pegatron cũng sẽ bị ảnh hưởng vì có hoạt động lắp ráp điện thoại ở Trung Quốc để xuất khẩu. Các nhà cung cấp như Largean Precision và TDK Holding bán các bộ phận cho các nhà lắp ráp điện thoại có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng không thoát.

“Nếu đợt tăng thuế thứ tư có hiệu lực đầy đủ trong vòng một năm và thuế quan đạt 25% đối với các mặt hàng, tăng trưởng GDP Đài Loan có thể mất 1 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới. Rủi ro gián đoạn thương mại là đáng kể”, chuyên gia kinh tế Ma Tieying của DBS Bank đánh giá trong một nghiên cứu công bố ngày 14/5. Theo dự báo của Đài Loan, mức tăng trưởng dự kiến 2,27% trong năm nay, nghĩa là thuế quan mới sẽ làm giảm một nửa mức tăng trưởng.

Tony Phoo, chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực Đông Á của Ngân hàng Standard Chartered tại Đài Bắc cho biết, các công ty Đài Loan có nhà máy và khách hàng Trung Quốc đại lục hiện đang phải đối mặt với một thực tế rất khắc nghiệt.

Tỷ lệ có hàng xuất khẩu có nguồn gốc Đài Loan trong tổng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Trung Quốc tới Hoa Kỳ đóng góp khoảng 1,8% GDP Đài Loan, Capital Economics, công ty nghiên cứu có trụ sở tại London cho biết. Điều đó làm cho Đài Loan chịu tác động xấu từ tranh chấp thương mại nhiều hơn so với các quốc gia xuất khẩu châu Á khác như Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.

Ngay cả trước khi đợt thuế quan thứ ba của Mỹ được thực hiện vào tháng 9 năm ngoái, Đài Loan là nền kinh tế chịu thiệt hại nhất vì mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD các sản phẩm Trung Quốc cho đến thời điểm đó đã ảnh hưởng đến 0,9% GDP của Đài Loan.

Một số công ty Đài Loan có sản xuất tại Trung Quốc đã di chuyển sang nước khác để tránh tác  động. Ví dụ, một vài công ty đã chuyển sản xuất về Đài Loan hoặc đến Việt Nam - một địa chỉ ở châu Á đang bùng nổ sản xuất và không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại.

Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, từ tháng 1 đến tuần đầu tiên của tháng 5, đã có 47 công ty Đài Loan với nhà máy tại nước ngoài cam kết đầu tư trở lại 7,7 tỷ USD. Giant Manufacturing, một nhà sản xuất xe đạp và xe đạp điện tại Trung Quốc đã chuyển nhà máy trở lại Đài Loan từ cuối 2018 để tránh thuế. Compal và Quanta cũng đã bắt đầu chuyển một số sản xuất tại Trung Quốc ra nước ngoài, trong đó Quanta là 1 trong 47 công ty quay trở về Đài Loan trong 4 tháng đầu năm 2019.

Minh Kỳ - Theo SCMP
Cùng chuyên mục