Đến năm 2030, cần 150 tỷ USD đầu tư cho ngành năng lượng

22/07/2020 20:48 GMT+7
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế trung ương, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 150 tỷ USD đầu tư cho ngành năng lượng, trong đó, ngành điện chiếm xấp xỉ 80 tỷ USD. Đây là một thách thức lớn đối với ngân sách quốc gia, do đó, cần thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.

Sáng nay (22/7), Ban Kinh tế trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu địa phương và các đại biểu quốc tế "Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020".

Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, tình trạng độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn cao.

"Đến nay, mặc dù Việt Nam còn là một nước đang phát triển và mới ở mức thu nhập trung bình thấp, nhưng chúng ta thấy rằng riêng lưới điện của Việt Nam phủ toàn bộ 100% lãnh thổ. Trong đó, 99,98% số xã của Việt Nam có điện, 98,86% hộ gia đình của Việt Nam đã được sử dụng điện... Đó là những con số không phải nước nào cũng đạt được kể cả những nước có trình độ phát triển cao hơn ta.

Đến năm 2030, cần 150 tỷ USD đầu tư cho ngành năng lượng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Kinh tế trung ương

Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, đến năm 2030, ngành năng lượng nói chung chúng ta cần khoảng 150 tỷ USD. Cho ngành điện nói riêng chúng ta cũng cần xấp xỉ 80 tỷ USD. Đó cũng là một thách thức với ngân sách Việt Nam. Ngân sách chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu này", ông Bình nói.

Cũng theo thông tin từ phía ông Bình, lần này, chủ trương của Đảng là làm sao xây dựng được một thị trường năng lượng đồng bộ. Tuy nhiên, đây cũng là một mục tiêu không dễ dàng.

"Nói thì dễ những thị trường năng lượng của chúng ta chưa đồng bộ và từ đó nó kìm hãm nhiều mặt phát triển. Trong khi đó giá năng lượng của chúng ta chưa theo giá thị trường. Lần này Đảng và Nhà nước ta đặt nhiệm vụ phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng tại Việt Nam. Nếu không có những điểm mấu chốt như vậy thì không thể khuyến khích được các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng.

Chúng ta phải tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch. Đó là những tiền đề rất lớn để chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực cho việc phát triển năng lượng Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngay từ khi Nghị quyết 55 được ban hành, khí thế, động lực tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế đối với phát triển năng lượng Việt Nam là rất lớn. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng rất đổi mới, đột phá trong lĩnh vực này", ông Bình khẳng định.

Đến năm 2030, cần 150 tỷ USD đầu tư cho ngành năng lượng - Ảnh 2.

Hội nghị thu hút hơn 1.500 diễn giả, học giả, giới đầu tư năng lượng của trong và ngoài nước tham dự.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã tham gia ký kết rất nhiều các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và phải có trách nhiệm thực hiện.

"Do vậy phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường. Lần này Đảng ta đã xác định trong phát triển năng lượng phải ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đấy là điểm rất mới.

Trước đây, chúng ta chủ yếu phát triển các năng lượng hóa thạch, trong đó dựa chủ yếu vào than, lần này quan điểm của Đảng đã có những thay đổi như vậy. Còn đối với năng lượng hóa thạch thì chúng ta cũng có những quan điểm thay đổi, chúng ta giảm dần năng lượng than và chúng ta tích cực sử dụng hơn năng lượng khí, đấy là nét mới’, ông Bình cho hay.

Cũng tại hội nghị sáng 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện tại, ngành năng lượng Việt Nam đang đứng trước nhiệm vụ, thách thức mới. Do đó, ngành này cần phải tăng tốc, phát triển sớm, mạnh hơn.

"Từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm 5.000 MW điện nguồn, có cả điện tái tạo. Tính ra mỗi năm cần số vốn đầu tư 7 đến 10 tỷ USD, đó là chưa tính đến vốn đầu tư mạng lưới truyền tải. Chính vì vậy, rất cần cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho tư nhân phát triển điện", Phó Thủ tướng thông tin.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục