Dệt may thấp thỏm 40 tỉ USD
“Tại Việt Nam chỉ có khoảng hơn 100 nhà máy sợi hoạt động nhưng hầu hết đang đối mặt với tình trạng khó khăn này”, ông Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Dệt sợi Zara, chia sẻ. Vì thế, tình hình sản xuất của Công ty Dệt sợi Zara tại Đồng Nai chủ yếu cầm chừng với hy vọng chờ chính sách mới.
Đơn hàng ngắn
Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng. Bộ Công Thương nhận định tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ thay vì đặt số lượng lớn như trước.
Ông Duy, Công ty Dệt sợi Zara, cũng thừa nhận, năm nay, các đơn hàng ngắn hơn trước đây khá nhiều. Trong trường hợp, khách hàng yêu cầu đơn hàng ngắn 1 tháng cũng phải chấp nhận để lấy ngắn nuôi dài. Dệt sợi Zara hiện xuất khẩu qua 3 thị trường Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng thị trường Trung Quốc là lớn nhất. Ông Duy cho biết, nhiều người cứ nói tìm thị trường khác thay thế Trung Quốc nhưng với Dệt sợi Zara, một đơn hàng của Trung Quốc cũng đã đủ công suất cho cả nhà máy, còn đơn hàng đi Nhật và Hàn không nhiều.
Trước đây, bình quân Việt Nam sản xuất 2,2 triệu tấn sợi/năm, xuất khẩu 1,5 triệu tấn, trong đó 60% sản lượng được xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, tình hình xuất khẩu sợi có nhiều bất ổn. Sang đến năm 2019, tiêu thụ sợi trở nên khó khăn, theo số liệu tính đến tháng 6, tăng trưởng xuất khẩu sợi chỉ đạt 1,1%. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng.
“Ngành dệt đang khó hơn ngành may vì các hiệp định thương mại chưa thực sự mở cửa, kể cả châu Âu. Các công ty sản xuất đầu ra chưa vững nên chưa mạnh dạn đầu tư. Đầu tư lớn mà đầu ra chưa ổn định thì chắc chắn sẽ khó khăn”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, nhận định.
Bên cạnh dệt sợi, một số doanh nghiệp may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ. Theo một doanh nghiệp sản xuất đồ jean, đơn hàng xuất khẩu ngày càng ít nên doanh nghiệp đang tìm hướng tập trung vào thị trường trong nước.
Điểm nghẽn lớn
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May, chia sẻ, tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, không khả quan như kỳ vọng từ đầu năm. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Phạm Văn Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phong Phú, 6 tháng đầu năm, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khó khăn. Do chi phí sản xuất của Việt Nam hiện cao hơn các nước nên nhiều nhà đặt hàng đã chuyển đơn hàng sang Campuchia, Myanmar, Indonesia.
Ông Ron Dutta, Giám đốc nguồn nguyên liệu tại châu Á của Garan Incorporated, cũng cho biết, nguyên liệu từ Việt Nam thường cao hơn 10% so với nguồn nguyên liệu cùng loại từ Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh... vẫn tiếp tục phá giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 27,4 tỉ USD, tiếp tục giữ vị trí trong top 5 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10.2019 chỉ đạt 2,6 tỉ USD, tiếp tục giảm 5,6% so với tháng trước, giảm tháng thứ 3 liên tiếp.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may cả năm sẽ đạt khoảng 39,6 tỉ USD, tăng 9,8% so với năm 2018. Với riêng Vinatex, trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm nay của Tập đoàn sẽ không đạt kế hoạch đề ra.
Còn theo ông Hồng, theo xu hướng thời trang nhanh, các tập đoàn thời trang thế giới cũng đang thay đổi thời gian giao hàng ngày càng ngắn, từ 30 ngày xuống còn 20 ngày vì họ muốn có thời gian quay vòng kiểu dáng, thiết kế ngày càng nhanh hơn. Vì thế, các doanh nghiệp làm đơn hàng cũng phải sản xuất theo kịp đơn hàng.
Một khó khăn nữa là thiếu lao động nên các doanh nghiệp đang tập trung ổn định đời sống công nhân, giữ chân người lao động, nhất là người lao động lành nghề. Điểm nghẽn lớn nhất là không tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi để tận dụng được ưu đãi thuế, chẳng hạn với EVFTA, các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trong khối EU. Tỉ lệ sử dụng này hiện vẫn còn khá thấp.
Cũng theo ông Hồng, tình hình đơn hàng thiếu phần lớn ở các doanh nghiệp miền Bắc, miền Nam có vài doanh nghiệp thiếu nhưng san sẻ thì vẫn đủ. Công ty May Sài Gòn 3 hiện tăng 20% so với năm ngoái nên công nhân chấp nhận tăng ca vì sợ không nhận thì sẽ mất luôn đơn hàng. “Mục tiêu 40 tỉ USD có thể sẽ hoàn thành trong năm 2019 và tình hình có vẻ khả quan hơn trong năm 2020”, ông Hồng nhận định.