Deutsche Bank và canh bạc lớn trong vụ tái cơ cấu tốn kém nhất lịch sử ngân hàng
Deutsche Bank đã công khai kế hoạch cải tổ hôm 7.7 với tuyên bố sẽ cắt giảm 18.000 việc làm, đóng cửa hoạt động giao dịch cổ phiếu toàn cầu và thu nhỏ hoạt động ngân hàng đầu tư trong nỗ lực giảm chi phí vận hành xuống còn 19 tỷ USD đến năm 2022. Thành lập năm 1870, Deutsche Bank từng là biểu tượng cho sức mạnh nền kinh tế Đức. Nhưng giờ đây, nó đang dần tụt hậu trong cuộc chơi với các đại gia ngân hàng như Goldman Sachs hoặc JPMorgan Chase…
Deutsche Bank đang ở đâu lúc này?
Kể từ khi Deutsche Bank mua lại ngân hàng đầu tư Mỹ Bankers Trust năm 1999, nó đã dấn thân vào cuộc chơi ngân hàng đầu tư với tham vọng chứng minh tài chính toàn cầu không phải lãnh thổ độc quyền của các đại gia ngân hàng Mỹ. Deutsche Bank sau đó phát hành hàng trăm tỷ USD các công cụ chứng khoán phái sinh với rủi ro cao, và chỉ 9 năm sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã đưa Deutsche Bank bắt đầu một thập kỷ suy thoái.
Những cáo buộc gian lận lãi suất, rửa tiền, những bê bối không thể kiềm chế lũng đoạn thị trường ngày qua ngày làm xói mòn danh tiếng Deutsche Bank. Đại gia ngân hàng Đức phải chi trả hàng tỷ USD tiền phạt. Lĩnh vực ngân hàng đầu tư từng mang tới 50% lợi nhuận cho Deutsche Bank đã tỏ ra là một mảng kinh doanh đầy mạo hiểm và không chắc chắn kéo theo hàng tỷ USD thua lỗ hàng năm. Việc liên tục đổi ghế lãnh đạo cũng không khiến cho tình hình Deutsche Bank trở nên lạc quan hơn.
Giờ đây, đại gia ngân hàng Đức quyết định tái cơ cấu bộ máy, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh ít rủi ro hơn, bao gồm khách hàng doanh nghiệp… Khoảng 18.000 người sẽ mất việc khi Deutsche Bank đóng cửa mảng giao dịch cổ phiếu toàn cầu, 1/3 ban lãnh đạo sẽ rời khỏi ngân hàng như cái cách giám đốc đầu tư Garth Ritchie đã ra đi hôm 5.7. Dù những tín hiệu cải tổ này đã giúp thị trường phần nào lấy lại kỳ vọng với Deutsche Bank, song một câu hỏi đặt ra là liệu nỗ lực của CEO Christian Sewing có quá muộn màng, so với mục tiêu đưa Deutsche Bank trở về thời hoàng kim như những gì ông Sewing tuyên bố hôm 7.7.
Vì sao dẫn đến cuộc tái cơ cấu tốn kém nhất lịch sử ngân hàng?
Trụ sở Deutsche Bank tại Frankfurt, Đức
Deutsche Bank từ lâu đã trượt dài trong những khoản lỗ, nhất là sau khi dấn thân vào hoạt động ngân hàng đầu tư. Năm 2008 đến nay được coi là thập kỷ lỗ ròng của ngân hàng Đức này. Chỉ tính riêng trong 12 tháng qua, cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm hơn 25%.
Không chỉ gặp khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Deutsche Bank cũng khó giữ thế độc tôn trong chính ngành ngân hàng Đức, khi năng lực đầu tư không còn dồi dào và các ngân hàng đối thủ Mỹ đang vươn bàn tay đến Châu Âu. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, đại gia ngân hàng Đức đã thất bại 3 lần trong các đợt stress-test kiểm tra năng lực chịu đựng rủi ro của Cục Dự trữ Liên Bang. Deutsche Bank vượt qua lần stress-test gần đây nhất, nhưng điều đó không làm giảm đi sự quan ngại từ phía các nhà quản lý cũng như thị trường.
Tháng 4.2019 vừa qua rõ ràng là một tháng đen tối với Deutsche Bank, khi ngân hàng Đức vừa thất bại trong việc sáp nhập với Commerzbank, vừa bị chính quyền Đức đột kích trong một nghi vấn trốn thuế. Ngân hàng này sau đó phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. Chỉ 1 tháng sau, CEO Christian Sewing đã phải úp mở kế hoạch cắt giảm biên chế việc làm và tái cơ cấu. Cho đến hôm 7.7 vừa qua, thông báo này chính thức được Deutsche Bank công bố.
Chưa dừng lại ở đó, Deutsche Bank nhiều lần đối mặt với cáo buộc của hạ viện Mỹ liên quan đến những nghi vấn rửa tiền cho gia đình Tổng thống Donald Trump. Hồi tháng 6 vừa qua, FBI được cho là đã bắt đầu mở cuộc điều tra về Deutsche Bank và hàng loạt ngân hàng khác có những giao dịch đáng ngờ với các công ty của con rể ông Trump - Kushner và phía Nga trong đợt cao điểm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tờ New York Times hồi tháng 6 cũng cho biết thêm, một số cựu nhân viên thuộc bộ phận chống rửa tiền của Deutsche Bank đã nắm trong tay một số báo cáo về các giao dịch đáng ngờ giữa ngân hàng này và quỹ từ thiện của tổng thống Trump. Tuy nhiên các thông tin sau đó không được gửi lên Bộ Tài Chính Mỹ.
Tái cơ cấu - canh bạc lớn chưa rõ thắng thua
Một số mục tiêu tái cơ cấu mà Deutsche Bank đưa ra cụ thể như sau:
1.Tinh gọn nhân sự còn khoảng 74.000 người vào năm 2022;
2. Cắt giảm 40% tài sản rủi ro trong các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng;
3. Chi 8,3 tỷ USD cho chi phí tái cơ cấu đến hết năm 2022;
4. Không trả cổ tức trong năm 2019 và 2020;
5. Đầu tư 4 tỷ USD để nâng cấp hệ thống kiểm toán nội bộ, tăng tính minh bạch.
CEO Deutsche Bank Christian Sewing
Rõ ràng, kế hoạch này là một canh bạc lớn. Ước tính, Deutsche Bank sẽ mất tới 7,4 tỷ EUR (8,3 tỷ USD) để thanh toán các khoản chi phí thôi việc, chi phí phát sinh...cho đến năm 2022. Khoản chi phí khổng lồ này rõ ràng không đảm bảo sẽ hồi sinh ngân hàng, ngay cả khi nó giúp Deutsche Bank tiết kiệm tới 25% chi phí vận hành. Ngân hàng này cũng sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ USD để nâng cấp hệ thống kiểm toán nội bộ, hạn chế tối đa những vụ bê bối trong tương lai; nhưng điều đó không thể làm dừng lại các cuộc điều tra của FBI hoặc cảnh sát Đức về nghi vấn rửa tiền, trốn thuế hiện tại.
Chỉ tính riêng trong quý II/2019, Deutsche Bank sắp sửa công bố khoản lỗ 2,8 tỷ EUR (tương đương 3,1 tỷ USD) do các chi phí liên quan đến tái cơ cấu. Khoản lỗ này lớn đến mức gần bằng doanh thu của mảng ngân hàng đầu tư trong cùng quý. Liệu những cải tổ có tạo ra một tương lai sáng cho Deutsche Bank? Hay đã quá muộn màng để Deutsche Bank giành lại vị thế từ trong tay những Goldman Sachs hoặc JPMorgan Chase? Đó sẽ là câu hỏi khiến các nhà lãnh đạo Deutsche Bank phải đau đầu trong ít nhất 3 năm tới.