Địa ốc Đan Phượng thờ ơ với thông tin lên quận
Ai nhiều đất mới mong lên quận
Trước thông tin huyện Đan Phượng được quy hoạch lên quận vào năm 2025, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tuần qua đã có chuyến khảo sát thị trường bất động sản tại một số xã, thị trấn ở đây. Một số người dân tỏ vẻ háo hức khi sắp thành người đô thị, nhưng cũng có nhiều người có những băn khoăn.
Bà Đoan, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho biết: “Nếu lên quận thì hạ tầng cơ sở, điện, đường, trường, trạm và phúc lợi xã hội, chế độ chính sách xã hội cho người dân sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, các khoản đóng góp của người dân cũng sẽ tăng lên, ví dụ hiện tại cấp xã, huyện, chúng tôi đang đóng tiền rác thải sinh hoạt 3.000 đồng/tháng, nếu lên quận thì sẽ tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/tháng và còn nhiều khoản khác.
Đặc biệt, đất sẽ tăng giá hơn và chỉ lợi cho người có nhiều đất, cũng như những người buôn bán bất động sản. Còn những người dân nghèo và cận nghèo thì sẽ gặp nhiều vất vả về kinh tế, vì thu nhập không ổn định, chỉ trông vào vài sào ruộng, nếu bán đi thì không biết làm gì”.
Cũng theo bà Đoan, xã Đan Phượng hiện giờ đã không còn nhiều đất canh tác, vì nhường cho các khu sinh thái, khu dân cư, khu công nghiệp… Những người trẻ ở đây lên thành phố làm thuê, còn những người già như bà ở nhà làm các công việc thu nhập không ổn định như bán tạp hóa, nước nôi. Do đó, người dân như bà lo lắng khi lên quận sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt, trong khi thu nhập chưa biết có tăng hay không.
Thị trường địa ốc Đan Phượng vẫn "bình thản" trước thông tin lên quận
“Nhàn cư vi bất thiện, không còn đất canh tác, không có công ăn việc làm sẽ sinh ra tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, chính quyền nên tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là những thanh niên đang độ tuổi lao động, nhưng không được đào tạo bài bản. Đây là những đối tượng dễ gây ra các tệ nạn xã hội nhất”, bà Đoan chia sẻ.
Cùng tâm trạng này, chị Ngân, khu Đồng Sậy, thị trấn Phùng cho biết, bản thân chị không muốn lên quận, vì gia đình từng từ xã Song Phượng chuyển lên thị trấn Phùng, mà cũng không thấy lợi gì, giờ lại nhận thông tin lên quận. Khi đó, tất cả các khoản phí, thuế phải nộp sẽ tăng, trong khi thu nhập thì không đổi.
“Dân cũng có nhiều người mong lên quận, vì cho rằng khi lên quận giá đất sẽ tăng. Tuy nhiên, chỉ những người có nhiều đất mới được lợi, còn như chúng tôi thì không có lợi lộc gì. Thậm chí, giá đất tăng còn khiến chúng tôi gặp khó khăn hơn”, chị Ngân cho hay.
Tuy nhiên, anh Tiến ở phố Tây Sơn, thị trấn Phù lại cho rằng: “Khi lên quận, Đan Phượng sẽ được Thành phố đầu tư thêm, đời sống người dân cũng nâng lên. Tuy các khoản đóng góp sẽ tăng lên, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là phần phụ”.
Kỳ vọng vào những ông lớn
Một tuần sau thông tin huyện Đan Phượng được quy hoạch lên quận, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản có cuộc khảo sát thị trường địa ốc khu vực này. Tuy nhiên, cảm nhận chung là không có gì nổi trội, thị trường vẫn “bình chân như vại”, không có động thái gì trước thông tin lên quận. Thế mạnh của các thị trường vùng ven Hà Nội là đất nền, nhưng thị trường Đan Phượng cũng trầm lắng.
Theo chia sẻ của anh Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân ở thị trấn Phùng, thị trường Đan Phượng vẫn đuối hơn các thị trường khác, không tăng mạnh như Đông Anh hay Hoài Đức và khoảng 3 - 4 tháng nay đã chững lại. Thị trường vẫn không phản ứng với thông tin lên quận vào năm 2025, thậm chí, lượng giao dịch chậm hơn 1/3 so với đầu năm 2019.
Cùng nhận định, đại diện Văn phòng Bất động sản Ngân Anh ở thị trấn Phùng cho biết, trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây, thị trường đất nền Đan Phượng đã chững lại, các lô trong ngõ, làng thì dao động từ 10 - 20 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Với các dự án giãn dân, gần trung tâm huyện thì dao động khoảng từ 25 - 30 triệu đồng/m2. Việc thông tin lên quận chưa tác động gì đến thị trường địa ốc nơi đây.
“Thị trường Đan Phượng cũng từng chìm nổi rất nhiều lần, kể từ lần sốt đất năm 2010. Hơn nữa, người tiêu dùng giờ đã thông minh hơn, họ không dễ bị lừa trong các lần làm giá của các môi giới không chuyên. Mặt khác, cơ quan chức năng đã siết chặt hơn trong việc thông tin các dự án bất động sản, nên thị trường có vẻ an toàn hơn. Tuy nhiên, trong vài năm tới, thị trường địa ốc nơi đây sẽ ấm hơn, vì sẽ có vài công ty lớn về đầu tư”, vị đại diện này nói và cho biết, hiện thị trường Đan Phượng đã có sự xuất hiện của các dự án lớn như Vincity, Wespoint Nam 32, The Phoenix Garden…
Quy hoạch đô thị là yếu tố then chốt
Thị trường địa ốc nói chung và phân khúc đất nền thổ cư hiện tại ở Đan Phượng nói riêng vẫn chưa tăng giá. Ngoài việc trông chờ vào thông tin lên quận, thị trường Đan Phượng còn trông đợi cơ hội từ việc quy hoạch kết nối giao thông vào trung tâm Thành phố và đi các địa phương lân cân như: Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, Vành đai 3,5 và cầu Thượng Cát; Quốc lộ 70 nối từ Nhổn tới Đại lộ Thăng Long… Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đã đồng ý chủ trương cho phép triển khai dự án đường Tây Thăng Long rộng 60 m kết nối khu vực Tây Tây Hồ và phía Bắc cầu Thăng Long với Khu đô thị Sơn Tây chạy qua địa phận Đan Phượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, ngoài những lợi thế về quy hoạch giao thông, thì yếu tố quy hoạch đô thị là vấn đề then chốt quyết định sự phát triển và nhu cầu mua của thị trường bất động sản.
Theo ông An, vấn đề trước mắt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang bị trói trong vòng luẩn quẩn của giao thông đô thị, đó là vấn đề tắc đường, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Mặt khác, Hà Nội đang hướng đến một đô thị thông minh, xây dựng các thành phố vệ tinh, nên vấn đề cần thiết là phải đẩy nhanh các dự án hạ tầng kết nối giữa các thành phố vệ tinh với trung tâm thành phố. Khi đó, mới có thể kéo người dân về các vùng ven như Đan Phượng định cư.
Ở góc độ khác, người tiêu dùng giờ đã thông minh hơn, họ chọn nơi sống thân thiện môi trường, giảm tiếng ồn, không tắc đừng… Đây sẽ là điểm thuận lợi cho các thị trường vùng ven như Đan Phượng, nhưng điểm mấu chốt vẫn là hạ tầng kết nối phải đi trước.
Ở góc độ đầu tư và quản lý thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, bài học đất nền Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong vẫn còn “nóng hổi”. Khi chưa có quy hoạch cụ thể, các nhà phát triển bất động sản, nhà đầu tư nhảy vào rất nhanh và không theo một quy hoạch nào cả, khiến chính quyền địa phương lúng túng, không kiểm soát được, từ đó rất nhiều dự án không có giấy phép, không có phê duyệt cũng phát triển. Đây là bài học cho những địa phương sắp lên quận của Hà Nội, trong đó có Đan Phượng.
Do đó, theo ông Đính, chính quyền phải có kiểm soát chặt chẽ, có quy hoạch một cách cụ thể và trên quy hoạch đó phải có công bố thông tin về các dự án đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển đất đai. Có như vậy mới giúp thị trường phát triển ổn định, tạo ra những sản phẩm chuẩn mực, đáng sống đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.