Dịch Covid-19 đẩy nợ doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore tăng nhanh nhất Châu Á
Theo báo cáo của ANZ Research, nhiều công ty tại Châu Á đã thành công xóa nợ trong vài năm qua do tình hình kinh doanh và viễn cảnh kinh tế toàn cầu ổn định trông thấy. Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đóng băng nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Báo cáo của ANZ Research chỉ ra các doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc là những doanh nghiệp có mức độ và tốc độ tích lũy nợ cao nhất Châu Á. Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát dịch bệnh cũng như các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt của chính phủ, hàng ngàn doanh nghiệp tại 3 quốc gia kể trên đã phải vật lộn để “sống sót” qua đại dịch. Nếu tình trạng doanh thu thấp tiếp tục kéo dài, nó có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ hoặc hạ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp do quá hạn trả nợ.
Tại Trung Quốc, các công ty bất động sản đang lâm vào rủi ro vỡ nợ lớn nhất do thị trường bất động sản trì trệ, doanh số giảm mạnh. Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản Trung Quốc đã mở rộng quá nhanh và tăng trưởng nóng. Vậy nên khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này khiến nhiều văn phòng bất động sản phải đóng cửa và các dự án bị tê liệt, nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nhanh chóng rơi vào tình cảnh nợ nần “ngập mặt”.
Trong khi đó, tại Singapore và Hàn Quốc, các công ty lĩnh vực năng lượng rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn. Ngành công nghiệp năng lượng Singapore đóng góp tới 1/5 trong tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2019. Nhưng giờ đây, ngành này chứng kiến lợi nhuận âm và thua lỗ, theo báo cáo của ANZ.
“Mặc dù đây là tình cảnh chung của ngành công nghiệp năng lượng trên toàn cầu, nhưng rủi ro thanh khoản kém ở Singapore đang làm trầm trọng thêm tình huống đó” - ANZ Research cho hay. “Các công ty này chiếm tới 15,7% tổng số nghĩa vụ trả nợ trong năm nay tại Singapore”.
Các công ty năng lượng tại Hàn Quốc cũng lâm vào tình huống tương tự do thiếu thanh khoản trầm trọng gây nên tình trạng gánh nặng nợ ngày càng lớn và mất dần khả năng trả nợ.
Báo cáo của ANZ Research cũng chỉ ra rằng các công ty, doanh nghiệp Singapore có vẻ dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19 hơn do rủi ro ngoại hối và dòng tiền thanh khoản yếu kém. Khảo sát chỉ ra 60,9% doanh nghiệp Singapore lưu hành trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá bằng USD, trong khi chỉ khoảng 1/3 số doanh nghiệp lưu hành trái phiếu mệnh giá tiền nội địa SGD. Điều này trái ngược hoàn toàn với Hàn Quốc, nơi chỉ có 1/5 doanh nghiệp lưu hành trái phiếu thanh toán bằng ngoại tệ.
“6/10 lĩnh vực kinh doanh của nước này đang chứng kiến các công ty có nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ và rủi ro thanh khoản kém” - ANZ Research khẳng định.