Dịch Covid – 19 hoành hành, ngành công nghiệp lộ điểm yếu cố hữu

19/07/2021 06:16 GMT+7
Trước tình hình dịch Covid – 19 có những diễn biến ngày càng phức tạp, ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng đang cho thấy các yếu điểm đã tồn tại nhiều năm.

Thời gian qua, dịch Covid – 19 bùng phát, đặc biệt là tại các khu công nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất.

Điển hình, tình hình sản xuất của Huyndai Thành Công đã bị gián đoạn do sự thiếu hụt nguồn cung chip xử lý trên thị trường. Theo đó, dự kiến, các nhà máy của doanh nghiệp phải cắt giảm 20% công suất và có thể phải cắt giảm thêm.

"Khi nào có chip, doanh nghiệp mới sản xuất được, còn không thì phải tạm dừng. Hầu hết các mẫu xe đều bị ảnh hưởng. Hậu quả là công ty vừa thiếu hàng để bán ra thị trường vừa bị tồn kho lớn do các linh kiện khác nhập về không đưa được vào sản xuất", ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Huyndai Thành Công cho hay.

Dịch Covid – 19 hoành hành, ngành công nghiệp lộ điểm yếu cố hữu - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp trong nước "chật vật" trong dịch bệnh Covid - 19 do thiếu tự chủ nguồn nguyên liệu. (Ảnh: CAND)

Đồng cảnh ngộ trên, Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung chip xử lý, sản xuất đình trệ, nhiều mã hàng phải chậm giao. Theo đại diện doanh nghiệp cho hay, chip xử lý là linh kiện không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, mặt hàng này Việt Nam chưa thể sản xuất, hầu hết phải nhập khẩu.

Lý giải về tình trạng trên, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, hiện tại, năng lực của hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn rất yếu kém, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ…

Có thể kể đến như quy mô doanh nghiệp rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, dây chuyền sản xuất ít ỏi nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện.

Theo bà Bình đánh giá, với những điểm yếu cố hữu trên, các doanh nghiệp nhỏ và yếu kém này là những đối tượng dễ chịu tổn thương và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh gây ra. Khi chuỗi cung ứng đứt gãy, họ khó tìm các đầu cung ứng thay thế…

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương đã tiến hành thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ phía Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng được sự hỗ trợ này. Điển hình, với ngành dệt may, một trong những ngành công nghiệp chủ lực, hiện tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp mới đạt khoảng từ 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.

Nguyên nhân là do các ngành sản xuất bông, sợi, nhuộm của Việt Nam đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành vải trong nước, do đó các doanh nghiệp dệt may nội địa vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc.

Dịch Covid – 19 hoành hành, ngành công nghiệp lộ điểm yếu cố hữu - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng từ 7 - 10%; trong đó Thaco đạt từ 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Nhằm giải quyết điểm yếu trên, giới chuyên môn nhận định, đặc biệt sau khi dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát, nhà nước cần tạo thị trường, kích cầu tiêu dùng tại nội địa.

Ngoài ra, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu. Có thể kể đến như các chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục