Dịch tả lợn châu Phi: Ngân sách hỗ trợ địa phương quá eo hẹp?

10/06/2019 10:30 GMT+7
Một số địa phương cho biết, chưa bao giờ, kinh phí hỗ trợ đối với ngành chăn nuôi lại lớn như đại dịch tả lần này.

Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 54 tỉnh, thành trên cả nước, khiến hơn 2,2 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại ước tính lên đến 3.600 tỷ đồng. Trước tình hình dịch lây lan phức tạp đe dọa đời sống người chăn nuôi, công tác hỗ trợ đang là một trong những vấn đề được người dân quan tâm, mong đợi.

Dịch lây lan chóng mặt

Tại nhiều tỉnh miền Trung trong những ngày này, các hộ chăn nuôi lợn gặp khó khăn đầu ra. Nhiều hộ gia đình dù không có lợn mắc dịch tả nhưng do nằm trong vùng dịch nên lợn đến kỳ xuất chuồng không thể bán được. Khó khăn chồng chất khó khăn. Một số hộ dân thuộc xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết, bao công chăm sóc đàn lợn nhưng giờ đến đợt xuất chuồng, muốn bán rẻ, chấp hận thua lỗ song cũng không có ai mua.

Tại Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này đã tiêu hủy hàng trăm con lợn nhiễm dịch tả châu Phi ở huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà. Sự cố này khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng khi lợn đến kỳ xuất chuồng song không thể bán giá cao, hoặc phải bù lỗ.

Dịch tả lợn châu Phi ngày càng có xu hướng lan nhanh tại các tỉnh phía Nam.

Còn tại Thừa Thiên-Huế, sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, tính đến nay (sau gần 3 tháng xuất hiện dịch tại địa phương), bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 1.076 hộ chăn nuôi ở 303 thôn, 69 xã thuộc 8/9 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 4.054 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 214.829 kg. Ước tính thiệt hại do hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy khoảng 10 tỷ đồng.

Dịch tả lợn châu Phi cũng ngày càng có xu hướng lan nhanh tại các tỉnh phía Nam. Cụ thể, tại các tỉnh vùng ĐBSCL, đến thời điểm này đã có 104 xã thuộc 47 huyện của 11/13 tỉnh, thành trong vùng có dịch, nâng tổng số lợn tiêu hủy 8.400 con... Theo báo cáo mới nhất của TP. Cần Thơ dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 86 hộ, 19 xã, phường, 5/9 quận, huyện 2.317 con, tương đương với 105 tấn. 

Tại Hậu Giang trong tháng 4 vừa qua, địa phương này ghi nhận ổ dịch đầu tiền xảy ra tại huyện Châu Thành A, sau đó lan nhanh chóng các huyện khác. Sau khi có dịch, các ngành chức năng của Châu Thành A đã khẩn trương triển khai mọi biện pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch, tuy nhiên dịch vẫn lan nhanh.

Hỗ trợ phải đảm bảo công bằng

Tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Dịch lây lan nhanh chóng và đến nay vẫn chưa có vắcxin điều trị triệt để. Cách nào để dập dịch vẫn đang là câu hỏi gây đau đầu nhà quản lý. Song, vấn đề cấp bách hiện nay là kinh phí hỗ trợ, hỗ trợ thế nào để đảm bảo công bằng hợp lý và giảm thiểu khó khăn cho người dân, có lẽ vấn là vấn đề dư luận quan tâm nhất.

Một số địa phương cho biết, chưa bao giờ, kinh phí hỗ trợ đối với ngành chăn nuôi lại lớn như đại dịch tả lần này. Tại tỉnh Thái Bình, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang, tỉnh đã chi trả hỗ trợ 150 tỷ đồng cho 70.000 tấn thịt lợn tiêu huỷ nhưng hiện nay kinh phí hỗ trợ vẫn rất thiếu. Còn tại Hà Nam, lãnh đạo địa phương này cho hay, đã chi ra 54 tỷ đồng (gồm 50% nguồn dự phòng địa phương) để hỗ trợ cho 23% tổng đàn bị chết, còn hiện vẫn đang chờ hỗ trợ từ Trung ương.

Với tỉnh Nam Định, số tiền hỗ trợ đã lên đến 442 tỷ đồng. Theo ông Ngô Gia Tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, chỉ trích được 13%, còn ngân sách Trung ương vẫn chưa hỗ trợ kịp.

Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi. 

Trước tình hình khó khăn về kinh phí hỗ trợ,  tại cuộc họp với Chính phủ về phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách trung ương trong xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đưa ra kiến nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng/kg lợn hơi với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành), 30.000 đồng một kg lợn hơi với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành). Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương...

Cùng đó, bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch; hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống mức 500.000 đồng một con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật...

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với đề xuất của Bộ NNPTNT, hỗ trợ vật nuôi tiêu huỷ theo tỷ lệ % giá thành, bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tốt tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có).

Mới chỉ thống kê thiệt hại

Trao đổi với PV về chủ trương hỗ trợ từ phía nhà quản lý, nhiều người dân cho biết, họ đang rất mong chờ nhận được nguồn kinh phí này để có thể trang trải nợ nần cũng như giảm thiểu những khó khăn do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Ông Phạm Thanh Tâm, chủ trại lợn ở ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang, vừa bị thiệt hại 1.200 con, cho biết, sau khi đàn lợn bị dịch, cán bộ thú y và địa phương có đến thống kê mức thiệt hại và tiến hành tiêu huỷ. “Đến thời điểm này tôi cũng nắm được thông tin quy định của Chính phủ về mức hỗ trợ, bước đầu cũng thấy an tâm, cũng mong sớm nhận được nguồn tiền này để trả lãi ngân hàng đồng thời có nguồn vốn để tái sản xuất” – ông Tâm chia sẻ.  

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang thông tin: Đến thời điểm này dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 6/8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, gây thiệt hại tổng số lợn trên 2.600 con. Mặc dù thời gian qua tỉnh vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin ở địa phương để người dân biết cách phòng ngừa, tuy nhiên rất khó xác định dịch tả lợn Châu phi lan qua con đường nào để giúp bà con phòng tránh triệt để.

Mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể khiến người dân tìm cách tuồn lợn dịch ra thị trường.

Chia sẻ với về công tác hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Tại các ổ dịch bên cạnh việc thực hiện công tác tiêu độc khử trùng và tiến hành tiêu huỷ lợn bị thiệt hại, chúng tôi đều thông báo chủ trương hỗ trợ theo quy định của Chính phủ cho người dân biết.

Theo đó mức hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị chết được phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại, lợn nái tối thiểu bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ theo trọng lượng (kg) được thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ.

“Hiện nay tỉnh mới chỉ thực hiện công tác thống kê thiệt hại và thông tin cho các hộ dân về mức hỗ trợ mà Chính phủ quy định, căn cứ theo giá thị trường hiện hành sẽ hỗ trợ cho người dân thời gian tới. Nhìn chung các hộ dân đồng tình với mức này và chưa thấy phản ánh gì” 

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ: TP Cần Thơ áp dụng 2 văn bản là Nghị định 02 mức hỗ trợ là 38.000 đồng/1kg lợn và áp dụng Nghị quyết 16 hỗ trợ 80% theo giá thị trường, đảm bảo mức giá hỗ trợ không dưới 38.000 đồng/1kg.

Tuy nhiên thời điểm dịch bệnh xuất phát giá trị trường khoảng 55.000 đồng/kg do đó nếu hỗ trợ mức giá 38.000 đồng thì người dân cảm thấy lỗ nhiều, sẽ bán hay tìm cách tuồn lợn dịch ra thị trường, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Chính vì thế, TP Cần Thơ tính toán và ra công văn hướng dẫn cụ thể mức đền bù sao cho hợp lý nhất không để người dân thiệt thòi.

Theo Đại đoàn kết
Cùng chuyên mục