Doanh nghiệp bất động sản "than khổ" vì thanh tra, kiểm toán kéo dài
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Thành uỷ, UBND TPHCM.
Đừng biến UBND TPHCM là "siêu sở"
Ông Quang cho rằng, thời gian qua, nguồn cung bất động sản trên địa bàn TPHCM khan hiếm do hàng loạt dự án đóng băng. Điều đó kéo theo hệ luỵ là đẩy giá nhà đất lên cao, người dân khó sở hữu nhà. Mặt khác, doanh nghiệp cũng khốn đốn vì chi phí vốn "đội" lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng cao và quan trọng là cơ hội kinh doanh bị đánh mất.
Tình trạng nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm thậm chí "không hồi kết" đã khiến doanh nghiệp bất động sản bất an, rệu rã.
Nguyên nhân thị trường bất động sản "bất động" vì tác động bởi những bất cập từ cơ chế pháp lý. Quá nhiều các đợt rà soát, thanh tra, kiểm toán của chính quyền. Chưa dừng lại ở việc nhiều lần thanh kiểm tra mà thời gian các đợt thanh kiểm tra đó cũng kéo dài, thậm chí... "không hồi kết".
"Một trong những vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp bất động sản là các chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm. Điều này khiến các doanh nghiệp bất an", ông Nguyễn Xuân Quang nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Quang, đại diện Novaland cũng đưa ra dẫn chứng điển hình của việc thanh kiểm tra "không hồi kết" khiến doanh nghiệp lao đao.
Theo vị đại diện này, cách đây không lâu, thông tin 7 dự án của công ty này tại quận Phú Nhuận bị ngừng giao dịch khiến khách hàng hoang mang. Dù đã có chỉ đạo kịp thời cho tiếp tục thực hiện giao dịch nhưng những bất cập về thủ tục hành chính khiến người mua bất an và tình trạng khiếu kiện của cư dân kéo dài.
Chủ đầu tư này kiến nghị UBND TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục hành chính còn thiếu hoặc yêu cầu thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh.
Các doanh nhân khác cũng cho rằng, chính sự chồng chéo của một số quy định khiến thủ tục thực hiện dự án bất động sản rườm ra, kéo dài. Điều đó tạo cơ hội cho những đợt thanh tra mà đằng sau các đợt "thanh tra" đó là doanh nghiệp phải biết... "thank you".
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành thẳng thắn đề nghị UBND TPHCM đừng là "siêu sở", nghĩa là cần phân quyền và trách nhiệm cho các sở ngành, không phải cái gì cũng chờ ý kiến của UBND TP.
Ông Đực chia sẻ, làm thủ tục pháp lý để xin đóng tiền sử dụng đất nhưng rất nhiêu khê.
"Trước đây đóng rồi nhưng như lòng đỏ trứng gà, giờ nhà nước kêu đóng thêm lòng trắng cho tròn cái trứng. Chúng tôi cũng đóng nhưng từ tháng 10/2017 đến nay, mất 18 tháng. Ban đầu, lòng vòng ở Cục Thuế TPHCM 4 tháng, sau đó Cục thuế TP chuyển lên UBND TP và UBND TP cùng Sở Tài nguyên & Môi trường thụ lý trong 14 tháng trời. Bây giờ Sở Tài nguyên & Môi trường có văn bản chính thức là gửi UBND TP đồng ý cho chúng tôi triển khai dự án. Rõ ràng trong 14 tháng đó, sự phối hợp giữa UBND TP và Sở Tài nguyên & Môi trường không chuyên nghiệp, chuyền qua chuyền lại hoài", ông Đực kể.
"Tôi nghĩ chuyện tiền sử dụng đất thì UBND TP nên uỷ quyền các Sở làm. Không phải chuyện gì cũng đến UBND TP. UBND TP còn bao nhiêu chuyện vĩ mô hơn nào là Metro, chống úng ngập, kẹt xe, phát triển đô thị, mắc gì 3.000m2 mà cũng trình lên UBND TP. Tôi đề nghị UBND TP không phải là siêu sở, cái gì cũng cầm tay chỉ việc mà giao các sở. Các sở làm sai thì kỷ luật các sở đó", ông Đực đề xuất.
Công ty địa ốc làm thủ tục pháp lý để xin đóng tiền sử dụng đất nhưng rất nhiêu khê.
Có hiện tượng cán bộ yếu kém, sợ chịu trách nhiệm
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, mỗi vấn đề doanh nghiệp phản ánh đều có nguyên nhân. Ông nhấn mạnh những trường hợp xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, quan điểm của thành phố là sai ở đâu thì giải quyết, xử lý tận gốc ở đó.
Ông Tuyến cũng thẳng thắn nhìn nhận có hiện tượng cán bộ yếu kém và sợ chịu trách nhiệm trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan lĩnh vực bất động sản hiện nay.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ những khó khăn hiện nay mà doanh nghiệp bất động sản đang gặp. Ông Nhân cho rằng, những khó khăn chỉ là trong ngắn hạn. Về lâu dài thì đây là thời điểm đầu tư bất động sản gặp nhiều cơ hội nhất. Bởi nhu cầu nhà ở tăng, thu nhập người dân tăng nên mức chi trả cho việc đầu tư nhà ở là rất tốt.
Về những phản ánh thủ tục thực hiện dự án "hành là chính", ông Nhân đề nghị Giám đốc sở ngành phải cho doanh nghiệp biết nhân viên nào phụ trách việc nào, phải có thời gian xử lý cụ thể. Không thể có chuyện nhận việc mà không biết làm.
Để giải quyết những vướng mắc về thủ tục, Bí thư Nhân quán triệt các sở ngành cần phải chủ động bàn bạc với nhau để giải quyết các nút thắt. Trong trường hợp các sở ngành liên quan vẫn chưa thể giải quyết thì phải báo cáo lên cấp trên, không để xảy ra hiện tượng không chốt thời gian giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.