Doanh nghiệp chế biến thực phẩm khó vào “siêu thị ngoại” vì chiết khấu cao

25/07/2019 07:19 GMT+7
Các siêu thị lớn có vốn nước ngoài thường yêu cầu mức chiết khấu 20 – 25%, điều này đã khiến những doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm quy mô nhỏ khó có “cửa” bước vào.

Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm vẫn khó có "cửa" vào các siêu thị ngoại.

Trong buổi họp báo Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nhận định, các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm nhỏ và “siêu nhỏ” đang rất vất vả khi đưa hàng vào siêu thị ngoại.

Theo bà Chi, các doanh nghiệp muốn tiếp cận các siêu thị lớn có vốn đầu tư nước ngoài để đưa hàng vào thì gặp muôn vàn khó khăn. Bởi hiện nay, các siêu thị lớn của nước ngoài đều yêu cầu mức chiết khấu rất cao, từ 20 – 25%. Đây là mức chiết khấu “tiêu diệt” doanh nghiệp và doanh nghiệp không thể phát triển sản xuất được.

“Nếu hợp tác với siêu thị ngoại gặp trở ngại thì doanh nghiệp có thể “bắt tay” với một số hệ thống siêu thị của Việt Nam. Các hệ thống siêu thị Việt cũng đang có mức chiết khấu hợp lý để phục vụ kênh bán lẻ của doanh nghiệp như Co.opmart, Satra…Tuy nhiên, các siêu thị ngoại cũng có những chính sách, những đặc thù riêng để lôi kéo đối tác, bà Lý Kim Chi nói.

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, hiện nay, mức chiết khấu của các siêu thị cũng tùy theo mặt hàng, tùy theo giống hàng nhưng mức chiết khấu thấp nhất cũng phải trên 12%. Riêng các doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh thì việc đưa hàng vào các siêu thị ngoại vô cùng dễ dàng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh là những yếu tố then chốt hàng đầu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Cũng theo bà Chi, các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì chỉ có cách là nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các mặt hàng an toàn, giá cả cạnh tranh.

Lấy ví dụ về điều này, bà Chi chia sẻ, các đơn vị chế biến lương thực, thực phẩm đang tự chuyển mình để bắt nhịp với xu thế. Nhiều công ty chế biến đang kết hợp trực tiếp với người nông dân từ khâu trồng trọt đến thu mua, điển hình như việc chế biến cải chua.

Ngày trước, doanh nghiệp chỉ thu mua rau cải rồi đem về chế biến. Doanh nghiệp không hề nắm bắt được nguồn gốc, chất lượng của rau.

Ngày nay, các doanh nghiệp đều phải đặt hàng tại các vùng nguyên liệu đảm bảo yếu tố “sạch”, an toàn, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để tìm kiếm cơ hội trên thị trường.

Ngoài việc doanh nghiệp “tự thân vận động” thì Hội và các Sở ngành, thành phố đang hỗ trợ, tư vấn thêm cho các doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh của ngành chế biến lương thực, thực phẩm.

Chia sẻ về tốc độ phát triển của ngành lương thực, thực phẩm trong thời gian qua, bà Lý Kim Chi nhận định, ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục thu hút sự tìm kiếm của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam là quốc gia đông dân, thị trường tiêu dùng phát triển mạnh và hấp dẫn giới đầu tư ngoại.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã liên hệ với Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM để đặt hàng nước chấm, chế biến thịt, chế biến gà, chế biến trứng…Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành chế biến lương thực, thực phẩm tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM và các doanh nghiệp cũng đã kết hợp với các siêu thị lớn như Lotte, AEON…để đưa hàng lương thực, thực phẩm chế biến sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc để quảng bá sản phẩm Việt Nam và tìm kiếm cơ hội tại các thị trường này.

Theo Ban tổ chức Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam, hiện nay, các trung tâm triển lãm lớn tại TPHCM đều đang không đáp ứng đủ nhu cầu tổ chức triển lãm của chương trình này do không đủ không gian. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia triển lãm nhưng đã “hết chỗ”. Chính vì vậy, ban tổ chức đã buộc phải từ chối nhiều doanh nghiệp tham gia sự kiện.

“Chúng tôi mong muốn thành phố sẽ có những nơi tổ chức hội chợ, triển lãm lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển”, một đại diện Ban tổ chức nói.

Năm nay, Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam sẽ có 650 gian hàng của 550 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm diễn ra trong 4 ngày (7 – 10/8) tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) quận 7.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục