Doanh nghiệp dễ bị phạt nặng nếu "lơ mơ" về sở hữu trí tuệ
Ngày 18/7, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2019 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
Hướng tới CPTPP, chế tài xử phạt đối với xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng cao
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) mới được Quốc Hội thông qua, trong đó thực hiện một phần các cam kết của Việt Nam trong CPTPP có tác động như thế nào tới doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiệp định CPTPP là một trong những FTA thế hệ mới quy định về quyền SHTT rất cao. Các quy định của CPTPP hay các FTA khác cũng như Luật SHTT mục tiêu chính là bảo vệ kết quả sáng tạo, bảo vệ các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp có thành quả sáng tạo, chứ các quy định này không nhằm gây khó cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp và nhà khoa học không hiểu rõ CPTPP thì sẽ gặp bất lợi. Thậm chí, nếu không cập nhật thông tin, vô tình xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài cao theo quy định của CPTPP.
Toàn cảnh Họp báo
Giải thích thêm về vấn đề này, thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho hay, trong thời kỳ hội nhập hiện nay thì nhãn hiệu, tên tuổi và bằng phát minh sáng chế, bí quyết kỹ thuật… là những “tài sản” vô hình nhưng rất giá trị. Chính vì vậy, khi chúng ta tham gia CPTPP, các chế tài với xâm phạm SHTT càng cao hơn, thậm chí một số hiệp định còn tăng mức hình sự hóa.
“Có 2 nhóm đó là cố ý xâm phạm SHTT và nhóm vô tình xâm phạm. Đặc biệt, khi tham gia các hiệp đinh FTA mới thì có thể sẽ “vô tình” vướng phải những vụ kiện tụng liên quan đến xâm phạm SHTT. Do đó, doanh nghiệp cũng như người dân, nhà khoa học cần phải tìm hiểu để tránh việc vô tình vi phạm về SHTT và phải chịu chế tài xử phạt cao”, ông Duy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì Họp báo
Thứ trưởng nói thêm, CPTPP có chế tài mạnh và chặt chẽ hơn trong thực thi quyền SHTT. Ví dụ như thực thi ngay lập tức ở biên giới hoặc trong các hoạt động xuất nhập khẩu đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu quyền tác giả, cho phép các cơ quan thực thi được thực hiện chế tài xử phạt ngay lập tức mà không cần phải có yêu cầu của chủ SHTT như quy định hiện nay.
CPTPP cũng yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành vi xâm phạm quyền theo hướng hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm, ví dụ như hành vi xâm phạm bí mật thương mại trên mạng máy tính, hoặc sử dụng tem nhãn và bao gói giả mạo nhãn hiệu … cũng đã có thể bị xử lý hình sự.
Cùng với đó, những hoạt động xâm phạm quyền SHTT của người khác để thu lợi, không cần biết là ở mức nào, cố ý hay vô ý, cũng sẽ bị khép vào hành vi ở quy mô thương mại, sẽ bị xử lý hình sự. Đây là điều mà doanh nghiệp và ngay cả người buôn bán nhỏ cần phải lưu ý. Điều này cũng đặt ra yêu cầu hiểu biết và thực thi sở hữu trí tuệ cao hơn cho tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Vụ việc xăng dầu giả tại Đắk Nông và Sóc Trăng - mất 1 năm điều tra
Thông tin về vụ việc phát hiện hàng triệu lít xăng giả tại Đắk Nông và Sóc Trăng vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết: Việc thanh tra xăng dầu tại các địa phương là thường xuyên theo chỉ đạo của Bộ. Liên quan đến vụ việc xăng giả tại Đắk Nông và Sóc Trăng, đây là sự phát hiện, nỗ lực lớn của ngành công an phối hợp với ngành khoa học và công nghệ, Công Thương.
Cụ thể, khi thanh, kiểm tra, ngành khoa học công nghệ đã phát hiện hành vi tinh vi trong gian lận chất lượng xăng dầu, đo lường xăng dầu. Tuy nhiên, do hành vi phạm tội rất tinh vi nên Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng liên quan tìm hiểu, điều tra, xác định hành vi vi phạm trong suốt 1 năm qua mới ra kết quả.
“Trong quá trình điều tra bí mật, chúng tôi cũng âm thầm phối hợp với ngành công an, thử nghiệm hàng chục mẫu xăng dầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu…Đồng thời phối hợp ngành công an xác định các mẫu đó, mẫu nào không phù hợp quy chuẩn quốc gia, mẫu nào là giả, có chất phụ gia… Toàn bộ thông tin đó đã cung cấp cho bên công an”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.