Doanh nghiệp nhôm trong nước chưa hết chật vật

25/06/2019 08:44 GMT+7
Sau Quyết định 1480/QĐ-BCT, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước vẫn chưa hết chật vật, khó khăn.

Sau khoảng hơn 2 tuần kể từ khi quyết định Quyết định số 1480/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc của Bộ Công thương chính thức có hiệu lực (từ ngày 6/6/2019), dù thị trường đã có những chuyển biến tích cực nhưng các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.

"Dọn dẹp" thị trường nhôm trong nước

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hải, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nhôm EuroHa cho biết sau quyết định của Bộ Công thương, nhiều khách hàng đã quay lại và công ty cũng đã mời gọi lại được lực lượng nhân sự đã phải cho nghỉ thời gian trước và tuyển thêm một số nhân sự mới. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này cũng đã được sắp xếp lại, nhà máy chạy 2 ca và có khả năng sẽ được khôi phục hoàn toàn vào cuối năm 2019.

Theo bà Dung, Chủ tịch Nam Hải Group thì những chuyển biến của thị trường là đáng mừng nhưng khó khăn mà các doanh nghiệp nhôm trong nước phải đối mặt vẫn rất lớn.

Quyết định áp thuế chống bán phá giá vừa qua đối với một số sản phẩm nhôm thanh định hình có xuất xứ Trung Quốc cũng đã góp phần vào việc trong sạch hóa phần nào thị trường nhôm trong nước. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp sản xuất chấp hành đúng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và các chính sách về thuế thì giá thành sản phẩm không hề thấp một cách “bất thường”. Cụ thể, trong đợt điều tra chống bán phá giá vừa qua của Bộ Công thương đã có những doanh nghiệp sản xuất nhôm lớn của Trung Quốc như Xingfa đồng tình với chính sách kiểm soát chặt đối với những doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Xingfa cũng là doanh nghiệp đã chủ động hợp tác điều tra với Bộ Công thương và sau đó doanh nghiệp này chỉ bị áp thuế ở mức 2.46%.

Nan giải nhôm nhập lậu

Bên cạnh những chuyển biến bước đầu, thực tế cho thấy quyết định áp thuế chống bán phá giá tam thời của Bộ Công thương chỉ giới hạn chế tài đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu chính ngạch. Việc hạn chế, kiểm soát các sản phẩm nhôm nhập lậu trốn thuế từ Trung Quốc vẫn là câu chuyện dài, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

Ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhôm Ngọc Diệp cho rằng, hiện tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như nhập lậu, trốn thuế diễn ra dưới nhiều hình thức và khá phổ biến trong khi các sản phẩm nhôm nhập lậu tràn lan từ Trung Quốc không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào về mặt chất lượng dẫn đến hiện tượng hàng kém chất lượng tràn vào thị trường gây ảnh hưởng và thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Dũng, Giám đốc Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp cho rằng sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường nhôm trong nước đang gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước thì ngay sau khi có quyết định áp thuế của Bộ Công thương thì đã có hiện tượng các đại lý phân phối nhôm trong nước nhận được đề nghị hỗ trợ tài chính đúng bằng phần tăng giá do bị áp thuế từ “bạn hàng” để giữ giá bán “cạnh tranh”.

Ngoài ra, bà Dung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hải cũng cho rằng, việc chưa có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm nhôm định hình sử dụng trong các công trình xây dựng cũng phần nào làm khó các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước. Tình trạng một số công trình xây dựng sử dụng nhôm kém chất lượng, xuất xứ không rõ ràng nhưng lại được trà trộn, lấy danh nghĩa nhôm sản xuất trong nước để nghiệm thu đang gây ra hệ hụy không tốt cho cả công trình xây dựng và các doanh nghiệp sản xuất nhôm chân chính trong nước.

Tìm kiếm thị trường mới

Trước những khó khăn của thị trường, mới đây, các doanh nghiệp nhôm trong nước đã “ngồi lại với nhau”, thành lập Hiệp hội Nhôm Việt Nam (tháng 5/2019). Bên cạnh đó, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng xác định tinh thần “tự cứu” trước khi “được cứu” đã chủ động tìm kiếm những hướng đi riêng, tiếp cận thị trường nhánh.

Bà Dung cho rằng, việc cạnh tranh với nhôm Trung Quốc bằng giá về lâu dài sẽ không phải là giải pháp tốt và doanh nghiệp trong thời gian qua đã tích cực tìm kiếm, tiếp cận được các thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước G7 nhằm để bù đắp sản lượng tụt giảm tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, cũng theo bà Dung, các thị trường lớn có yêu cầu rất cao về chất lượng, hình thức và đặc biệt là nguồn gốc của sản phẩm do đó để tiếp cận các thị trường này doanh nghiệp phải xác định đi đường dài, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại mới có thể thành công. Cụ thể, đối với các thị trường mà nhôm EuroHa đã tiếp cận đều đặt ra yêu cầu cao về tính bền vững và thẩm mỹ của sản phẩm mà chỉ có dòng nhôm Anode mới đáp ứng được, bà Dung cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhôm trong nước như Ngọc Diệp, Nam Hải, Austdoor,… thông qua các hoạt động của mình cũng đang tích cực tham gia vào cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt”, đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, để góp phần thực hiện mục tiêu “người Việt tin dùng hàng Việt”.

 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục