Doanh nghiệp phân bón từ khó đến... bí
Lợi nhuận thấp
Tại Khu công nghiệp Tân Kim (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), ít ai biết có 1 kho của Ngân hàng Sacombank rộng khoảng 3 ha. Tuy gọi là kho nhưng nơi đây tập trung của ít nhất 20 doanh nghiệp thuê để lập nhà máy sản xuất phân bón và kho chứa hàng thành phẩm cũng như nguyên liệu. Giá thuê kho tại đây bình quân 45 ngàn đồng/m2. Một doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy và kho dự trữ cần phải có diện tích mặt bằng từ 800 - 1.000m2, tức 1 tháng phải trả tiền thuê cho Sacombank 36-45 triệu đồng.
Các DN phân bón vừa và nhỏ đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt trong thời điểm giá cả nông sản giảm sâu
Ông Vương Lâm, GĐ một công ty phân bón tại đây cho biết, doanh nghiệp ông thuê kho đến nay cũng gần 8 năm, trước đây các DN phân bón không nhiều như bây giờ, trong khi giá nông sản lại khá cao và ổn định như: cà phê 36-40 ngàn đồng/kg; hồ tiêu từ 140 ngàn đồng trở lên; cao su cũng được 70-80 triệu đồng/tấn... dẫn đến nông dân đầu tư, bón phân thoải mái, từ đó DN kinh doanh phân bón cũng thuận lợi mang lại lợi nhuận cao.
Theo ông Lâm, tại thời điểm đó, sản xuất 1 kg phân sau khi trừ hết chi phí bán ra cũng có lãi ít nhất 300-400 đồng, tức 1.000 tấn có lãi chừng 300-400 triệu. Một năm làm ăn lóc cóc sản xuất chừng 3.000 tấn là đã kiếm bạc tỷ. Tuy nhiên, hiện nay các DN phân bón đang đối mặt với giá cả các loại nông sản chủ lực đều giảm sâu kéo dài, cà phê còn 30-31 ngàn đồng, tiêu 45 ngàn đồng; cao su hơn 30 triệu đồng/tấn... khiến nông dân họ giảm số lần bón, giảm cả số lượng đầu tư, thậm chí không bón, rồi còn phải cạnh tranh giá bán đại lý với hàng trăm DN khác.
“Tụi tui mỗi tháng chi phí cho tiền thuê kho và lương anh em công nhân nhà máy chừng 150 trăm triệu. Thế nên, bán 1 kg phân hiện rất chật vật nhưng chỉ cần có lãi vài chục đồng/kg, lợi nhuận thấp cũng mừng lắm rồi, còn nếu không kham nỗi thì buộc phải trả kho, không làm nghề phân nữa”, ông Lâm nói.
Cay đắng đòi nợ
Một đại diện tổng kho Sacombank tại đây cho hay, năm 2017 có 22 DN thuê kho làm phân bón; năm 2018 có 18 DN và đầu năm 2019 thì có 2 DN trả kho. “Lý do trả kho có thể họ chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới hoặc ra ngoài mua đất xây dựng nhà máy phân bón hoành tráng hơn. Bởi các DN thuê kho ở đây hầu hết là DN vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất chủ yếu là máy cối trộn phân 3 màu (NPK), hoặc dây chuyền ép viên 1 hạt với chi phí đầu tư khoảng 1-2 tỷ đồng”, vị này nói.
Ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Phân bón Hà Lan cho biết, kinh doanh phân bón chưa bao giờ gặp khó khăn như đầu năm nay, bán ra 1 kg phân đã khó do người nông dân ngày càng hạn chế đầu tư, trong khi cả nước đang có gần 1.000 cơ sở sản xuất phân bón nên cạnh tranh giá rất khốc liệt.
Chẳng hạn, chỉ công thức phổ biến là NPK 20-20-15 nhưng trên thị trường giá bán loạn xạ, với giá khoảng 11.600 - 11.800 đ/kg là đảm bảo các thông số kỹ thuật trong phân và DN có lãi chút ít, thế mà có DN chào đại lý rẻ hơn 100 đồng, thậm chí cả 200 đồng/kg thì không hiểu hàng hóa của họ sẽ như thế nào? Đó là, chưa kể lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đan xen phức tạp trên thị trường với giá nào cũng có, “thích là nhích”.
“Nói thật, rất nhiều DN phân bón muốn tồn tại, muốn cạnh tranh được trong lúc giá cả nông sản giảm mạnh trong cả nước, như ở khu vực Tây Nguyên có hàng vạn ha cà phê, hồ tiêu, thì DN không chỉ buộc hạ giá bán một số sản phẩm mà còn phải “khổ nhục kế”, giao tận răng các đại lý.
Chưa hết, sau khi bán phân xong thì khoản cay đắng nhất là đi đòi nợ, có đại lý họ thu tiền hết của nông dân nhưng lại cố tình găm tiền chiếm dụng vốn DN, nên việc thanh toán nhỏ giọt, rất nhiêu khê. Còn nếu DN làm căng quá thì mất đại lý, mất khách hàng. Cuối cùng chỉ DN lãnh đủ”, ông Dũng chia sẻ.
“Hiện nay, không chỉ chật vật về thị trường mà Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế điều chỉnh Thuế GTGT có hiệu lực từ đầu năm 2015, trong đó mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang mặt hàng không chịu thuế, nên DN không được khấu trừ đầu vào, điều đó càng làm cho giá thành sản xuất phân bón tăng khoảng 3-5%. Điều này, khiến các DN làm ăn chân chính càng khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, hàng phân bón “lóc cóc” trong nước gây nhũng nhiễu thị trường” - (Ông Trần Dũng).