Doanh nghiệp tư nhân trong khu vực nông nghiệp "còn rất mỏng"
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng ngày 2/5, tại Hà Nội, ông Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban KTTW và ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề 5: “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam và thúc đẩynhiều đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế được mở với thị trường hơn 96 triệu dân trong nước, từ đó không chỉ tạo ra giá trị cho xã hội, xuất khẩu hàng hoá, giúp cải thiện đời sống của hàng triệu người nông dân Việt Nam và phát triển kinh tế đất nước.
Cũng theo ông, phiên hiến kế về nông nghiệp là một phần của diễn đàn kinh tế tư nhân mà Ban cán sự đảng Chính phủ cùng Ban kinh tế Trung ương đồng tổ chức nhằm đánh giá kết quả 2 năm thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Cụ thể, theo chủ trương được thông qua tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm doanh nghiệp tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp", ông Cao Đức Phát nói.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này "còn rất mỏng"; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam hiện có 10 triệu hộ gia đình nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn ở quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao, giai đoạn mới ko chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần có vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nói.
Cũng phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc doanh cho biết, cùng vơi những khó khăn hạn chế, nền nông nghiệp Việt Nam cũng đã có bướ phát triển lớn, trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66%/năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch, nông sản Việt Nam có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục 40,02 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.