Đối mặt với suy thoái vì bất động sản, Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất để vực dậy nền kinh tế?
Các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Trung Quốc với tựa đề: "PBOC Cuts LPRs in June; Expect 10bps Cuts in 2H23", tạm dịch là: "Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 6, dự báo sẽ cắt giảm thêm 10 điểm cơ bản trong năm 2023", trong đó chỉ ra
Lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản 10 điểm kể từ tháng 8/2022
Lãi suất cơ bản cho vay 1 năm và 5 năm (LPR) lần đầu tiên bị cắt giảm 10 điểm cơ bản kể từ tháng 8 năm 2022, xuống còn 3,55% và 4,20%. Việc cắt giảm đã được dự đoán sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) xuống 10 điểm cơ bản vào tuần trước để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đà phục hồi đang suy yếu.
PBOC đã bổ sung 237 tỷ nhân dân tệ thông qua MLF, so với 200 tỷ nhân dân tệ của khoản vay sắp đáo hạn. Dư nợ thanh khoản net thông qua MLF là 37 tỷ nhân dân tệ (so với 25 tỷ vào tháng 5), mức cao nhất trong ba tháng. Tuy nhiên, việc cung cấp thanh khoản net vẫn nhỏ hơn quý đầu năm (trung bình 186 tỷ nhân dân tệ mỗi tháng). Điều này phù hợp với nhu cầu tín dụng giảm dần khi lợi ích từ việc nới lỏng đang suy giảm, trong khi PBOC điều chỉnh cung cấp khoản vay cho hệ thống ngân hàng.
Lãi suất SLF (dành cho việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt tạm thời của ngân hàng) đã được giảm 10 điểm cơ bản trên tất cả các khoảng thời gian, trong khi lãi suất reverse repo của hoạt động thị trường mở cũng đã được cắt giảm cùng mức độ.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong tháng 5, cho vay bất động sản vẫn mờ nhạt
Tăng trưởng tín dụng đã giảm xuống chỉ còn 9,8% so với cùng kỳ tháng 5 năm trước (trong khi con số này là 10,3% trong tháng 4), đây là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 1. Tăng trưởng dư nợ cho vay bằng đồng nhân dân tệ giảm -0,4 điểm xuống chỉ còn mức 11,7%. Các khoản vay mới bằng nhân dân tệ (1360 tỷ nhân dân tệ) vẫn thấp hơn 28% so với một năm trước, mặc dù đã có sự cải thiện so với tháng 4 (718,8 tỷ nhân dân tệ) vốn là tháng trái mùa cho vay.
Các khoản vay trung và dài hạn mới của hộ gia đình đã tăng trở lại lên 168,4 tỷ nhân dân tệ (so với khoản hoàn trả ròng 115,6 tỷ nhân dân tệ vào tháng 4) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước năm 2022 trước khi thị trường bất động sản suy thoái. Giá bất động sản giảm, thị trường suy yếu và nợ địa phương ngày càng tăng đã tạo thành một vòng luẩn quẩn ở Trung Quốc. Dữ liệu của NBS chỉ ra rằng doanh số bán nhà theo giá trị tăng 11,9% so với một năm trước đó từ tháng 1 đến tháng 5, nhưng doanh số bán theo mét vuông chỉ tăng 2,3% (so với mức giảm -24,3% vào năm 2022). Giá nhà mới tăng chậm hơn, ở mức 0,1% so với tháng trước trong tháng 5 (so với mức 0,3% trong tháng 4) trong khi giá nhà hiện tại giảm -0,2% (so với 0% trong tháng 4).
Các khoản vay mới cho các doanh nghiệp phi tài chính và các cơ quan chính phủ đã tăng lên 855,8 tỷ nhân dân tệ (so với 683,9 tỷ nhân dân tệ vào tháng 4), điều này phản ánh nguồn tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất có tăng lên. Tuy nhiên, các khoản vay mới này vẫn thấp hơn -44% so với mức của tháng 5 năm ngoái.
Dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 10 điểm và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR thêm 25 điểm cơ bản
Các chuyên gia dự báo PBOC sẽ cắt giảm thêm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 và 5 năm trong năm nay. Ngân hàng trung ương có thể đợi đến cuối quý 3 hoặc quý 4 trước khi thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo, với mục tiêu thận trọng là tăng trưởng +5% GDP. Việc cắt giảm lãi suất quá nhanh trong khi Fed và các ngân hàng trung ương toàn cầu khác tăng lãi suất có thể gây rủi ro cho dòng vốn chảy ra nhiều hơn, trong khi đồng Nhân dân tệ cũng đã bị mất giá khoảng 4% từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia dự đoán PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) xuống 25 điểm cơ bản trong quý thứ ba, điều này sẽ giải phóng thêm thanh khoản cho các ngân hàng để tăng cường cho vay khi nhiều quỹ MLF đáo hạn từ tháng 8.
Những dữ liệu trên chứng tỏ, cần có nhiều khuyến khích về tài chính hơn để hỗ trợ nền kinh tế, vì việc cắt giảm lãi suất và cung cấp tín dụng nhiều hơn sẽ có tác động hạn chế nhu cầu trong nước trong bối cảnh niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp bị giảm sút.
Nhiều nguồn tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng có thể đang được triển khai, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ tài sản có mục tiêu bao gồm hạ lãi suất thế chấp nhà và tăng cường cho vay lại thông qua các ngân hàng chính sách để đảm bảo hoàn thành việc xây dựng nhà ở.
Các biện pháp khác bao gồm gia hạn miễn thuế mua xe điện, cũng như các chương trình giảm thuế bao gồm giảm thuế gia tăng và miễn thuế cho các doanh nghiệp sản xuất hàng cao cấp.