Đồng loạt hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch
Bán hàng không lợi nhuận giúp nông dân
Do ảnh hưởng của dịch nCoV, từ ngày 31.1, phía Trung Quốc thông báo đóng cửa 9 cặp chợ biên giới cũng như các cửa khẩu chung đường biên giới với tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam đến hết ngày 9.2. Điều này khiến hàng ngàn tấn hàng hóa từ Việt Nam dịp Tết Nguyên đán bị ùn ứ ngay cửa khẩu cũng như đơn hàng bị hủy khiến người dân cũng như các doanh nghiệp (DN) trở tay không kịp.
Việc các DN logistics thông báo giảm từ 10 - 20% phí lưu kho, đặc biệt kho lạnh là một hỗ trợ thiết thực cho DN xuất khẩu, nhất là ngành thủy sản Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe |
Từ ngày 5.2, phía Trung Quốc đã bắt đầu mở Cửa khẩu Hữu Nghị cho phép thực hiện thông thương hàng hóa, nông sản đối với các đơn hàng đã có hợp đồng mua bán ngoại thương bị dồn ứ. Nhưng đối với xe hàng không có hợp đồng thì vẫn phải đợi đến khi các cửa khẩu, cặp chợ biên giới mở cửa chính thức. Vì vậy, hàng loạt nông sản bị “ế” hàng, rớt giá ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ngay sau đó, một số hệ thống siêu thị cũng như nhiều DN đã tích cực tham gia đẩy mạnh bán hàng để giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa. Cụ thể, từ ngày 6.2, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) thông báo hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang thực hiện bán hàng không lợi nhuận. Đặc biệt, hệ thống này giảm giá hơn 12.000 tấn chanh tươi, cá basa, thịt heo, thanh long, dưa hấu để hỗ trợ nông dân và người tiêu dùng.
Theo đó, giá thanh long ruột trắng và ruột đỏ đang bán giá khuyến mãi 4.800 - 9.900 đồng/kg, dưa hấu quanh mức 9.500 đồng/kg tùy theo khu vực địa lý của siêu thị. Đồng thời, hệ thống các siêu thị này giảm giá 20% cho mặt hàng cá basa. Ngoài ra, các mặt hàng giúp tăng sức đề kháng, có lợi cho sức khỏe trong mùa dịch Corona cũng được Saigon Co.op phối hợp cùng nhà cung cấp khuyến mãi giảm giá 15 - 20% như chanh tươi không hạt, chuối tươi loại 1, bưởi da xanh, trứng gà, giò sống, bắp cải, nấm mỡ...
Dự kiến tổng lượng hàng hóa Saigon Co.op phối hợp các nhà cung cấp, các đơn vị sản xuất tham gia giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng đợt này là 12.000 tấn nông thủy sản, trong đó có khoảng 6.000 tấn hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân miền Tây gặp khó đầu ra và hơn 6.000 tấn nhu yếu phẩm, thực phẩm.
Tương tự, BigC và GO! - thành viên của Tập đoàn Central Retail - cũng triển khai chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long” bằng việc bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu, nhằm kích cầu tiêu thụ để chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail, thông tin hệ thống tập trung thu mua nông sản bị ùn ứ hỗ trợ bà con nông dân tại một số địa phương: Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang... và bán không lợi nhuận. Cụ thể, các siêu thị ở miền Bắc bán dưa hấu ruột đỏ giá 6.200 đồng/kg, thanh long ruột đỏ và ruột trắng đồng giá 15.500 đồng/kg. Tại các siêu thị BigC và GO! khu vực phía nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây bán 10.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg. Cũng theo đại diện Central Retail, BigC dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong chương trình này.
Giảm chi phí cho doanh nghiệp
Để góp phần gỡ khó cho DN xuất nhập khẩu trong mùa dịch nCoV, Bộ Công thương đã gửi văn bản đề nghị Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khuyến nghị các hội viên, DN logistics chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các DN phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp cho biết Ban Chấp hành VLA đã và đang vận động các DN hội viên giảm 10 - 20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh để hỗ trợ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
“Việc giảm phí vận chuyển, phí lưu kho là hành động thiết thực của các DN logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch. Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tiếp tục tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các DN logistics với DN sản xuất, kinh doanh trong nước, cùng hỗ trợ nhau và hỗ trợ nông dân để giảm thiệt hại do dịch gây ra. Chúng tôi cùng các DN xuất khẩu mong muốn và nỗ lực để việc thông thương sớm nhanh hơn và giảm thiệt hại cho bà con nông dân và DN càng thấp càng tốt”, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, hiện chưa có nhiều thông tin ảnh hưởng cụ thể cho các DN trong hiệp hội, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn sẽ tác động tiêu cực. Các DN đã có hàng trong kho sẵn bên phía Trung Quốc, nhưng các đối tác không có người tiếp nhận và hầu như mọi hoạt động từ nhà hàng, siêu thị cũng bị ngừng trệ nên việc tiêu thụ giảm mạnh. Thậm chí hàng đã ở cảng nhưng không có người làm thủ tục chứng từ, tiếp nhận… Đó là chưa kể chi phí lưu kho, tồn kho nếu kéo dài sẽ càng khiến DN lao đao. Thế nên việc các ngân hàng công bố sẽ giảm lãi suất cho DN cũng là thông tin tích cực trong giai đoạn này vì nguồn vốn là yếu tố sống còn để DN tiếp tục hoạt động trong lúc chờ dịch bệnh kết thúc.
“Việc các DN logistics thông báo giảm từ 10 - 20% phí lưu kho, đặc biệt kho lạnh là một hỗ trợ thiết thực cho DN xuất khẩu, nhất là ngành thủy sản. Bên cạnh đó tôi cho rằng, các DN sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch, gia tăng dự trữ vì có thể sau dịch bệnh thì nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại. Vì vậy việc ngân hàng có thể giãn nợ, giảm lãi suất là cần thiết nhất trong lúc này”, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng vì dịch cúm Vũ Hán, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng sẽ cử đoàn đến thăm các nước Dubai, Mỹ và Brazil nhằm tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, doanh nghiệp
Chiều 7.2, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp phòng chống dịch. Cụ thể, cùng với việc yêu cầu thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ để phản ứng nhanh trước các khó khăn liên quan đến sản xuất của DN, đến hàng hóa xuất khẩu, các đơn vị liên quan xây dựng các chính sách cụ thể, trong đó có việc xem xét để giảm giá điện cho các DN chế biến nông sản hoặc DN kinh doanh kho lạnh nhằm tạo điều kiện giúp bảo quản, tiêu thụ nông sản do xuất khẩu giảm sút.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận xét: "Chúng ta nên xem xét có chính sách giãn, giảm thuế cho các DN. Như hàng không bị ảnh hưởng nặng thì có nên giảm giá nhiên liệu bay hay không?", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta nên bỏ tiền ngân sách trước để hỗ trợ, bởi DN còn thì ngân sách còn".
Tương tự, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng rất cần phải có gói kích cầu, cả những cơ chế trong thẩm quyền mà Bộ Công thương quyết được lẫn kiến nghị, đề xuất với Chính phủ. Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho hay việc xuất khẩu bằng đường bộ có những khó khăn nhất định do quy định y tế giám sát chặt với người lái xe hoặc chính sách hạn chế tụ tập đông người của nước bạn nên cần tính phương án chuyển hàng sang đường biển (với xuất khẩu chính ngạch). "Trong thời gian đầu, nhà nước cũng nên có hỗ trợ để vừa giảm chi phí vận tải, vừa để DN quen dần", ông Chinh đề nghị.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, trong bối cảnh dịch còn phức tạp thì thương mại điện tử sẽ là kênh tiêu thụ hàng hóa tốt do hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch hơn.