Dư âm đẹp về vụ vải thiều và chuyện đưa quả tiến vua ra thế giới
Đổi mới phương pháp trồng, chăm sóc
Đang thu dọn, cắt tỉa vườn vải, anh Nghiêm Văn Thắng, thôn Ao Mít (xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn) phấn khởi chia sẻ: Vụ vải vừa qua, gia đình anh đã thu được hơn 24 tấn quả, tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Kinh nghiệm chăm sóc cây nhiều năm của gia đình cho thấy, giống vải U hồng có cây to, bộ rễ chắc khỏe, ít sâu bệnh nhưng nhược điểm là vỏ mỏng, hạt to, khó bảo quản, vận chuyển đi xa nên giá bán chỉ khoảng 30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giống vải Thanh Hà có vỏ dày, hạt nhỏ, đẹp mã, được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nên giá bán thường cao hơn gấp 2 lần.
Những quả vải thiều được sản xuất theo quy trình hữu cơ, đóng hộp, có giá trị kinh tế cao.
Năm trước gia đình anh Thắng đã ghép cành vải Thanh Hà vào cây U hồng giúp cây khỏe, chất lượng quả tốt; giá bán, thu nhập cao hơn. Với kết quả trên, năm nay gia đình anh đang ghép thêm 400 cây để nhân rộng mô hình.
Ông Vi Vỏng Sáng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Cốc thông tin, năm nay, toàn xã có hơn 1.300 hộ trồng vải thiều, sản lượng ước đạt hơn 4.000 tấn quả (giảm 50% so với năm 2018). Tuy vậy, do người dân đã thuần thục quy trình trồng, chăm sóc vải thiều từ nhiều năm nay nên vải luôn được giá, tổng thu nhập từ vải thiều toàn xã đạt hơn 160 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tương tự, không chỉ ghép vải cho giá trị cao, ông Trần Văn Hành (thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn) còn phối hợp cùng Công ty CP Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Delco (Bắc Ninh) trao đổi và ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vải thiều theo quy trình hữu cơ.
“Có nằm mơ tôi cũng không thể tin những quả vải do tay mình trồng lại bán được giá 200.000 đồng/hộp 12 quả. Quả vải cũng giống như nhiều nông sản khác, bao năm qua đều phải chịu cảnh được mùa mất giá, bị thương lái ép, có khi người dân uất quá phải đổ bỏ xuống sông” - ông Hành nói.
Anh Nghiêm Văn Thắng (thôn Ao Mít, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn) chăm sóc vườn vải sau thu hoạch. V.G
Mở rộng thị trường
Chia sẻ về mô hình liên kết trồng vải hữu cơ, ông Lê Khánh Mạnh - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Delco cho biết: “Đây là năm đầu tiên thực hiện nên tất cả mới chỉ đang dừng lại ở việc thí điểm để thăm dò, đánh giá thị trường. Hàng được tuyển chọn sơ chế không qua chất bảo quản, đảm bảo tươi ngon khi tới tay khách hàng.
Theo đó, khoảng 500 hộp loại 12 quả/hộp phục vụ nhu cầu làm quà biếu, tiêu dùng của một số cơ quan và khách hàng cao cấp, đã bán sạch ngay khi vừa chào hàng. Việc minh bạch hóa thông tin, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đi kèm với thiết kế mẫu mã, bao bì chuyên nghiệp chính là lời giải bền vững cho nâng cao giá trị quả vải”.
Lý giải thành công từ mô hình liên kết trồng vải hữu cơ, ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, xây dựng quy trình khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm tuyệt đối sạch và an toàn là điều kiện tiên quyết.
“Quá trình chăm sóc vườn vải được theo dõi và ghi lại từng ngày. Trước khi ra thị trường, có trang web chuyên biệt để giới thiệu sản phẩm, kèm theo nhiều thông tin hữu ích khác để nhận diện thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Song song với đó là kết nối với những kênh tiêu thụ online, tập trung vào đối tượng VIP” - ông Thành nói.
Tại Lục Ngạn hiện nay, ngoài diện tích trồng thử nghiệm vải hữu cơ, toàn huyện đang duy trì khoảng 12.000ha vải thiều sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Sau nhiều năm kiên trì kết nối, quảng bá thương hiệu, năm 2019 cũng là mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi quả vải lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
“Không riêng quả vải mà tất cả nông sản của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề lâu nay việc kết nối với các nhà phân phối, đặc biệt phân phối phi truyền thống, dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ” - ông Thành nói.
Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thông thương cũng có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao giá trị vải thiều. Trong đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều như tổ chức diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản năm 2019 tại TP.Bắc Giang.
Cùng đó là các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở Bằng Tường (Trung Quốc) và Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… cũng được thực hiện, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút hàng nghìn doanh nhân. Quả vải thiều Lục Ngạn cũng được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khu vực Trung Đông, EU… đem lại giá trị kinh tế cao.
Sau nhiều năm kiên trì kết nối, quảng bá thương hiệu, năm 2019 cũng là mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi quả vải lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc với đầy đủ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Cơ quan chức năng nước bạn cũng đã cấp hơn 40 mã vùng trồng, điểm sơ chế sản phẩm tại 30 xã, thị trấn và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Lục Ngạn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hơn nữa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ở trong và ngoài nước. |