Dự án Grand Sunlake Hà Nội: Góp vốn gián tiếp, sau 10 năm nhiều người chưa có nhà ở?
Khách hàng góp vốn hơn 10 năm chưa nhận được nhà
Dự án Trung tâm thương mại - Văn phòng - Chung cư cao tầng Hesco (nay có tên thương mại là dự án Grand Sunlake, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) ban đầu do Công ty CP Thiết bị Thủy Lợi và Công ty CP Bất động sản Megastar hợp tác và trình thủ tục xin làm liên danh để đầu tư dự án.
Năm 2011, dự án này chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định, nhưng Công ty Megastar đã trực tiếp huy động vốn từ khách hàng và ký kết thỏa thuận cho phép Công ty CP Đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long huy động vốn của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo Công ty Megastar bị bắt vì liên quan đến một vụ việc khác.
Do lãnh đạo Công ty Megastar vướng vòng lao lý, đến tháng 5/2015, Công ty Megastar đã ký hợp đồng thống nhất chuyển giao dự án cho Công ty CP Tập đoàn phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam là pháp nhân trong liên danh với Công ty Thủy Lợi trình xin làm chủ đầu tư dự án.
Đến năm 2017, TP.Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Công ty Thăng Long Việt Nam và Công ty Thủy Lợi là chủ đầu tư dự án.
Công ty Thăng Long Việt Nam (là đại diện liên danh) có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Megastar.
Bắt đầu từ việc chuyển giao dự án cho Công ty Thăng Long Việt Nam là pháp nhân trong liên danh với Công ty Thủy Lợi trình xin làm chủ đầu tư dự án đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại khiến cho nhiều khách hàng trước đó đã ký hợp đồng góp vốn trực tiếp với Công ty Megastar và góp vốn gián tiếp với Công ty Hạ Long (đơn vị hợp tác với Công ty Megastar để huy động vốn) có thể mất trắng tài sản đã góp vốn.
Lý do, mặc dù Công ty Thăng Long Việt Nam (là đại diện liên danh) có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Megastar, nhưng nhiều khách hàng trước đó đã ký kết hợp đồng với Công ty Hạ Long đi đòi quyền lợi, nhưng chưa được phía Công ty Thăng Long Việt Nam giải quyết thỏa đáng.
Nhiều khách hàng góp vốn mua căn hộ chung cư tại dự án Grand Sunlake cho biết, họ góp vốn mua căn hộ tại dự án Grand Sunlak từ những năm 2009, 2010 và đã đóng tiền dưới dạng "Hợp đồng huy động vốn", nhưng đến nay khách hàng vẫn chưa nhận được nhà để vào ở.
Những khách hàng này cho biết, có nhiều người đã ký hợp đồng và góp vốn trực tiếp với chính Công ty CP bất động sản Megastar và cũng có nhiều người ký hợp đồng góp vốn với đơn vị thứ cấp là Công ty Hạ Long.
Theo hợp đồng thỏa thuận, khách hàng đã nộp 30% số tiền mua căn hộ tự 89m2 đến 118m2 với giá từ 16,5 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng/m2, có hợp đồng và phiếu thu.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng còn phải đóng thêm tiền chênh lệch từ 1,2 đến 2 triệu đồng/m2, không có phiếu thu và không ghi trong hợp đồng.
Sau khi được chuyển giao, Công ty Thăng Long đã yêu cầu tất cả những nhà đầu tư góp vốn cho Công ty Megastar và Công ty Hạ Long phô tô hợp đồng, phiếu thu tiền nộp cho công ty để làm căn cứ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và làm chứng cứ chuyển đổi hợp đồng với chủ đầu tư mới.
Công ty Thăng Long Việt Nam có đưa ra phương án giải quyết là số tiền khách hàng đã nộp góp vốn với Công ty Hà Long được bảo lưu tương ứng với số tiền và m2 theo giá cũ, số tiền còn lại và số m2 còn lại được tính giá mới nhưng không quá 20 triệu đồng/1m2. Số tiền 70% còn lại sẽ được chia làm 10 lần nộp tiền để các nhà đầu tư dễ tham gia.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, dù Công ty Thăng Long đưa ra phương án, nhưng đến nay, khách hàng đã góp vốn vào dự án chưa được giải quyết quyền lợi, đặc biệt là những khách hàng đã ký kết hợp đồng góp vốn với Công ty Hạ Long.
Bức xúc vì đã góp vốn hơn 10 năm nhưng vẫn không có nhà, nhiều khách hàng đã gửi văn bản đến Công ty Thăng Long yêu cầu cung cấp thông tin về thủ tục pháp lý dự án và gặp gỡ khách hàng, đồng thời cần đưa ra phương án xử lý.
Bà Đoàn Thu Hà (trú tại Hà Đông, Hà Nội), khách hàng góp vốn vào dự án Grand Sunlake đã 10 năm nay nhưng chưa được nhận nhà bức xúc: "Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà Nước có thẩm quyền cần dừng ngay dự án Grand Sunlake và yêu cầu chủ đầu tư gặp các nhà đầu tư đã góp vốn vào dự án, để thỏa thuận về phương án. Đồng thời, đưa ra kế hoạch giải quyết quyền lợi rõ ràng bằng văn bản cho tôi xong mới tiếp tục được thi công".
"Hiện nay, chúng tôi thấy rất nhiều thông tin quảng cáo, rao bán căn hộ tại dự án, nếu như khách hàng mua phải những căn hộ mà chúng tôi được ưu tiên mua, thì sau này chắc chắn sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện", bà Thu Hà bức xúc.
Cần giải quyết thỏa đáng quyền lợi khách hàng
Trả lời PV về những ý kiến của khách hàng khi bỏ hàng tỷ đồng góp vốn thực hiện dự án Grand Sunlake, nhưng hơn 12 năm trôi qua vẫn chưa nhận được căn hộ, ông Huyền – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty Thăng Long Việt Nam cho biết: "Bên mình là đơn vị liên danh với Công ty Thủy Lợi. Phía Công ty Thủy Lợi có đất, bên mình bỏ tiền đầu tư và hai bên liên danh để thực hiện việc này".
Về việc đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng cũ đã góp vốn với công ty Megastar và Công ty Hạ Long, cũng như khách hàng mới, ông Huyền cho hay: "Có một số khách hàng bên mình nhận chuyển giao từ Megastar".
"Trước đó, Công ty Megastar liên danh với Công ty Thủy Lợi để làm dự án này, nhưng họ không làm được. Sau đó, bọn mình nhận Quyết định chủ trương đầu tư từ thành phố và đã tiếp nhận các khách hàng của Megastar. Về hướng giải quyết cho khách hàng, một là họ nhận lại tiền hoặc đầu tư tiếp", ông Huyền giải thích.
Theo ông Huyền, Công ty Hạ Long đã huy động vốn của rất nhiều người nhưng không nộp hết tiền về Công ty Megastar. Để giải quyết quyền lợi cho những người đã góp vốn, Công ty Thăng Long Việt Nam đã nhiều lần liên hệ, đề nghị Công ty Hạ Long cung cấp danh sách các nhà đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn nhưng không nhận được sự phối hợp.
"Khi chuyển giao dự án chúng tôi có nghĩa vụ trả cho Công ty Hạ Long hơn 100 tỷ, nhưng bây giờ chưa biết danh sách bao nhiêu nhà đầu tư góp vốn để trả lại tiền. Bây giờ liên hệ với Công ty Hạ Long đến trả tiền, nhưng không có người đại diện của Công ty Hà Long đến", ông Huyền cho biết.
Cũng theo ông Huyền, Công ty Thăng Long Việt Nam đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Hà Đông, vì Công ty Hạ Long không hợp tác để giải quyết quyền nghĩ vụ của các nhà đầu tư đã góp vốn. Công ty Thăng Long Việt Nam đã hướng dẫn khách hàng đến Công ty Hạ Long làm việc và khách hàng có thể đến cung cấp hồ sơ cho Tòa án.
Về những vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc Công ty Thủy Lợi cho hay, việc thỏa thuận về quyền lợi, nghĩa vụ là giữa Công ty Thăng Long Việt Nam và Công ty Megastar thoả thuận với nhau. Công ty Thủy Lợi chỉ xin phép thành phố đồng ý chủ trương chuyển liên danh với Công ty Thăng Long Việt Nam.
Trước những ý kiến phản ánh của khách hàng góp vốn vào dự án, ông Quân cho biết, thời điểm năm 2010, khi phát hiện Công ty Megastar huy động vốn của khách hàng thì Công ty Thủy Lợi đã có văn bản đề nghị không được phép huy động vốn khi chưa đủ điều kiện. Thời điểm đó, cơ quan công an cũng đã đến xác minh, làm rõ vấn đề này.
Ông Quân nói về trách nhiệm của công ty trước những bức xúc của các khách hàng: "Công ty Thủy Lợi không có trách nhiệm về việc giải quyết quyền lợi khách hàng. Còn lại Công ty Thăng Long Việt Nam phải có nghĩa vụ phải giải quyết.
Dự án Grand Sunlake được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 năm 2008. Đến năm 2017, dự án này mới được phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu và năm 2019 được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, căn cứ các hồ sơ tài liệu liên quan, có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (tại Quyết định số 4132/QĐ-UBND ngày 6/7/2017, do ông Nguyễn Đức Chung khi đó đang là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký), chuyển đổi mục đích sử dụng đất (tại Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký), việc áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất cho liên danh nhà đầu tư thực hiện nhà ở thương mại và thực hiện các quy định tại Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt dự án.