Dù Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh, dân Mỹ vẫn sẽ giàu hơn nhiều lần

26/03/2021 15:23 GMT+7
Một nhà kinh tế học nhận định dân Mỹ vẫn sẽ giàu có hơn Trung Quốc trong vòng nửa thế kỷ tới hoặc lâu hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Tôi nghĩ rằng khó có khả năng Trung Quốc đạt đến mức GDP bình quân đầu người của Mỹ - thước đo sự giàu có của chúng tôi - trong vòng ít nhất 50 năm tới” - nhận định của ông Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Economist Intelligence Unit trên tờ CNBC.

GDP bình quân đầu người là thước đo sản lượng của một nền kinh tế trên bình quân dân số, và được đánh giá là thước đo chung cho sự thịnh vượng.

Dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra rằng GDP bình quân đầu người Trung Quốc năm 2020 ước tính khoảng 10.582,10 USD, nhỏ hơn gần 6 lần so với Mỹ là 63.051,40 USD.

Dù Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh, dân Mỹ vẫn sẽ giàu hơn nhiều lần - Ảnh 1.

Dù Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh, dân Mỹ vẫn sẽ giàu hơn dân Trung Quốc nhiều lần

Ông Baptist đồng tình rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2032 sau khi nước này phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng đại dịch. Dự báo của ông Baptist tỏ ra thận trọng hơn nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế khác. Tháng trước, bà Helen Qiao, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Bank of America Global Research nhận định rằng Trung Quốc sẽ sớm vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh vào khoảng năm 2027-2028.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong năm ngoái, với mức tăng trưởng 2,3%. Trong khi đó, Mỹ chứng kiến GDP -3,5% vào năm 2020.

“Cuối cùng, nền kinh tế Mỹ sẽ nhỏ hơn chỉ vì dân số Trung Quốc lớn hơn nhiều lần”.

Nhận định của ông Simon Baptist được đưa ra sau cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, trong đó ông Biden tuyên bố sẽ không để Trung Quốc vươn lên thành “quốc gia hàng đầu” trên thế giới.

“Tôi nhận thấy (Mỹ) sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Trung Quốc có một mục tiêu bao quát - và tôi không chỉ trích họ vì mục tiêu đó. Nhưng mục tiêu tổng thể của họ là trở thành quốc gia hàng đầu, quốc gia giàu có nhất và quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Điều đó sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của tôi.” - ông Biden nhấn mạnh

Baptist cho biết Trung Quốc sẽ trở thành “một cường quốc khác” sánh vai cùng với Mỹ trên trường quốc tế. “Tôi nghĩ rằng ở châu Á, có lẽ rất khó để Mỹ tiếp tục là quốc gia hùng mạnh nhất trong những năm 2030 của thập kỷ tới. Nhưng ta vẫn sẽ giữ ảnh hưởng lớn trong một thời gian dài”.

Châu Á từ lâu đã nổi lên như một mặt trận quan trọng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang kéo dài nhiều tháng qua. Trong khi Bắc Kinh ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực, ảnh hưởng của Washington ở châu Á đã yếu đi dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngược lại, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra ưu tiên châu Á trong chính sách đối ngoại của mình. Ông Biden đã tuyển dụng hàng loạt chuyên gia châu Á nổi tiếng vào bộ máy chính quyền. Trong những chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden cũng gặp gỡ nhiều lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Trung Quốc từng bày tỏ kỳ vọng việc ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ mở ra một chương mới cho quan hệ Mỹ Trung, nhưng rõ ràng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có một khởi đầu khó khăn dưới thời chính quyền Biden.

Tuần trước, cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước đã bắt đầu với một giọng điệu căng thẳng. Đầu tuần này, Mỹ và một số đồng minh phương Tây bao gồm Anh, EU, Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên hàng loạt quan chức và thực thể Trung Quốc do cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân cương, dẫn đến việc Bắc Kinh trả đũa EU và Anh.


NTTD
Cùng chuyên mục