Dùng drone công nghệ cao để làm nông ở Pháp
Phi công Nikola Nemcova lắp ráp drone Delair UX11 (Ảnh: Bloomberg)
Phóng viên hãng tin Bloomberg vừa đến thăm khu vực trồng nho ở vùng Fronton, phía tây nam nước Pháp. Nơi này có truyền thống trồng nho từ thời La Mã. Âm thanh duy nhất ở đây là tiếng ù của máy kéo song sự tĩnh lặng này sắp bị phá vỡ bởi một robot biết bay.
Phi công Nikola Nemcova đi giữa vườn nho và đem theo chiếc ba lô lớn. Bà lấy ra từ đó ba mảnh của Styrofoam, kẹp chúng lại với nhau, kiểm tra hướng gió rồi ném drone lắp hoàn chỉnh lên không gian. Drone Styrofoam có thể đạt độ cao 152 mét chỉ trong vài giây và phát ra tiếng động lớn trong suốt thời gian bay.
“Bạn phải kiểm tra vật cản dưới đất và mối nguy hiểm tiềm tàng trên trời. Drone và máy bay trực thăng không phải là bạn”, Nemcova nói. Bà làm việc cho hãng sản xuất drone Pháp Delair được một năm rưỡi nay.
Dù vùng sản xuất rượu vang Fronton không thể sánh bằng Bordeaux, giới sản xuất ở đây vẫn đi trước trong việc thử nghiệm công cụ kỹ thuật số thường chỉ được các hãng công nghệ lớn như Amazon sử dụng. Các nhà làm rượu sử dụng drone phức tạp với phần mềm tùy chỉnh để giám sát cây trồng bị sâu bệnh, dự đoán sản lượng và lập bản đồ vườn nho. Delair làm việc với nhiều nhà sản xuất rượu vang ở khu vực Minervois và Gaillac. Hãng rượu cognac Hennessy cũng dùng công nghệ của Delair.
Phân tích bản đồ 3D tại Delair (Ảnh: Bloomberg)
Nhu cầu máy bay không người lái của người tiêu dùng đang chững lại và viễn cảnh dùng drone chuyển hàng vẫn còn xa. Dù thế, các nhà sản xuất rượu cùng một số nhóm nông dân, thợ mỏ, doanh nghiệp xây dựng, hãng điện lực và nhà điều hành đường sắt khác đang dùng drone để thu thập thông tin nhanh hơn, chính xác hơn so với con người.
“Đây không phải là loại drone bạn thấy hằng ngày mà là robot loại lớn, ổn định, phức tạp, bay được và dùng riêng cho doanh nghiệp. Khách hàng của chúng tôi không dùng drone để đùa. Họ tính kỹ chi phí, lợi ích của khoản đầu tư”, Michael de Lagarde, CEO startup Delair cho hay. Không như người tiêu dùng, doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao nhưng cần thiết để đo lường chính xác và nhanh chóng. Phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) còn giúp họ xử lý dữ liệu.
Mẫu cơ bản của Delair là Styrofoam. Nó rộng khoảng 11 mét, nặng khoảng 3 kg và có giá 15.000 EUR, tương đương 16.800 USD. Styrofoam chỉ mất một phút để bay trên một khu vực rộng, chụp ảnh chi tiết bằng camera gắn dưới bụng. Sau đó, nó có thể hạ cánh nhẹ nhàng tại bất cứ khoảng trống nào. Ảnh được chụp sau khi đi qua phần mềm Delair sẽ trở thành ảnh 3D có độ chân thực cao. Người trồng nho có thể nhìn vào đây và tìm ra câu trả lời về lượng phân bón cần thiết dựa trên độ xum xuê của lá.
Các mẫu drone đắt hơn có giá đến 200.000 EUR nhưng lại có khả năng “nhìn” được trong đêm. Tính năng này khiến drone được sử dụng để giám sát nhiều hơn là làm nông. Thêm vào đó, drone đắt cũng nặng hơn nhiều và cần máy phóng để bay.
Delair tọa lạc tại gần Toulouse, gần trụ sở hãng sản xuất máy bay Latecoere và Airbus. Toulouse là nhà của nhiều nhân tài giúp ngành sản xuất máy bay Pháp nở rộ. Quốc gia châu Âu cũng là một trong các nước đầu tiên quy định việc sử dụng drone vào năm 2012, trước Mỹ một năm.
Hoạt động kinh doanh drone được phân chia giữa các nhà sản xuất phần cứng chuyên thiết kế, xây dựng máy bay, nhà phát triển phần mềm được dùng để xử lý dữ liệu và nhà cung ứng dịch vụ cho thuê phi công, vận hành drone. Hầu hết doanh nghiệp chỉ xử lý một nhiệm vụ trong chuỗi và sự cạnh tranh là rất lớn, đặc biệt trong mảng phần cứng. Với Delair, cách đây hai năm, hãng có thỏa thuận với một trong các nhà cung ứng công nghệ của Intel để cung cấp phần mềm xử lý dữ liệu và bán cổ phần cho Intel.
Ngoài đồng áng, drone còn được dùng trong mảng đường sắt và tiện ích. Nhiệm vụ của nó chủ yếu là giám sát đường ray tàu hỏa và đường dây điện cao thế. Xây dựng và khai thác cũng cần drone cỡ lớn, có camera và cảm biến để đo lường vật liệu, theo dõi tiến trình hoặc đánh giá an toàn công trường.