Đường cong lợi suất đảo ngược: Mỹ đã đến bờ vực suy thoái?

15/08/2019 06:47 GMT+7
Nguy cơ suy thoái kinh tế đã hiện lên rõ nét hôm 14.8 sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bất ngờ giảm xuống dưới mức lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, một hiện tượng khiến niềm tin thị trường sụp đổ nhanh chóng.

Phố Wall đỏ lửa sau phút đường cong lợi suất đảo ngược

Khoảnh khắc đường cong lợi suất đảo ngược

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 2.02%, sâu hơn mức kỷ lục được ghi nhận hồi năm 2016 là 2,0889% sau cuộc bỏ phiếu của Anh liên quan đến quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu. Nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang có những dấu hiệu suy thoái rõ rệt, nhìn từ những động thái trên thị trường trái phiếu, vốn là thước đo tình trạng kinh tế được các nhà đầu tư ưa chuộng.

Còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đầu phiên giao dịch 14.8 đã giảm xuống 1.623%, thấp hơn mức lãi suất 1.634% của trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư thu về nhiều lợi nhuận hơn khi mua trái phiếu Chính phủ ngắn hạn. Dù ngay sau đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm đã phục hồi trở lại, sự đảo ngược trong chớp mắt của đường cong lợi suất cũng khiến thị trường rộ lên những mối quan ngại lớn lao.

Ngay sau khi những diễn biến lợi suất trái phiếu khiến các nhà đầu tư suy sụp, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã giảm mạnh 604 điểm còn chỉ số S&P 500 và NASDAQ đều chứng kiến mức giảm hơn 2%. Mức giảm này vẫn thấp hơn ngày tồi tệ nhất phố Wall hôm 5.8, khi đồng NDT của Trung Quốc xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, gây ra những lo lắng về một cuộc chiến tranh tiền tệ đến gần.

Sự trượt dốc lớn nhất của cổ phiếu nằm ở lĩnh vực ngân hàng, do ảnh hưởng của lãi suất giảm và đường cong lợi suất đảo ngược. Cổ phiếu Citigroup, JP Morgan Chase, BofA, Goldman Sachs đều lao đao.

Viễn cảnh suy thoái nhìn từ những bài học lịch sử

Đường cong lợi suất thường kéo thep suy thoái kinh tế trong khoảng 2 năm tiếp thep

Lần cuối cùng đường cong lợi suất của Mỹ đảo ngược là hồi tháng 12.2005. Không lâu sau đó, cuộc đại suy thoái 2008 kéo đến. Và như thông lệ thường thấy trong suốt 50 năm qua, mỗi lần đường cong lãi suất đảo ngược là một lần khủng hoảng tài chính xảy đến.

Tuy nhiên, theo Arthur Bass, giám đốc mảng tài chính Wedbush Securities thì lần đảo ngược lợi suất này có những dấu hiệu khác biệt. “Chúng ta đã chứng kiến những cuộc chiến thuế quan tương tự như tình huống hiện tại trong quá khứ. Một lần nữa, phải khẳng định đường cong lợi suất đảo ngược là một tín hiệu suy thoái rõ rệt cho tương lai. Tuy nhiên, trong khi điều này khiến thị trường run sợ, thì vẫn có những độ trễ giữa đường cong lợi suất đảo ngược và suy thoái kinh tế”. 

Dữ liệu từ Credit Suisse từ năm 1978 đến nay cho thấy:

Lần nghịch đảo đường cong lợi suất cuối cùng (năm 2005) đã kéo theo cuộc đại suy thoái 2007-2008.

Chỉ số S&P 500 tăng trung bình 12% mỗi năm sau khi xảy ra đảo ngược đường cong lợi suất.

Không đến 18 tháng sau khi đường cong lợi suất đảo ngược, thị trường chứng khoán sẽ quay đầu lao dốc.

Nhìn lại lịch sử xa hơn, kể từ sau thế chiến II, 7 trong số 9 lần đường cong lãi suất đảo ngược đã gây ra suy thoái kinh tế, theo thống kê của ông Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế Đại học Loyola Marymount.

Kể từ hồi đầu tháng 8, lợi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn đã giảm mạnh sau hàng loạt quan ngại chiến tranh thương mại leo thang do Trump tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh ngay lập tức phá giá đồng NDT, lên kế hoạch trả đũa. Tăng trưởng GDP dự kiến thấp hơn kỳ vọng, lạm phát dưới mức mục tiêu và những hành động cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng Trung Ương cũng báo trước một tương lai ảm đạm của nền kinh tế, điều khiến nhà đầu tư đổ xô đến những tài sản an toàn.

Thực chất, biểu hiện của đường cong lợi suất hoàn toàn phù hợp với dự đoán của các nhà phân tích về nguy cơ suy thoái kinh tế. Hồi giữa năm, IMF từng cảnh báo rủi ro suy thoái kinh tế nếu thương chiến kéo dài, còn Goldman Sachs mới đây cũng cảnh báo suy thoái sẽ đến trong vài quý nữa nếu thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị tăng từ 10% lên 25%. May thay hôm 13.8, Tổng thống Trump bất ngờ hoãn thời hạn áp thuế một số mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu Trung Quốc đến ngày 15.12.

Hồi cuối tháng 7, dưới sức ép của Tổng thống Trump và thị trường, FED vừa cắt giảm lãi suất 0,25% lần đầu tiên sau hàng thập kỷ. Nhưng điều này là chưa đủ với Trump, ông vẫn buông lời chỉ trích hành động của FED là chậm trễ và kém hiệu quả. Sau đó, ngân hàng Trung Ương Ấn Độ, Thái Lan… cũng tiến hành hạ lãi suất.

Stephen Suttmeier, chiến lược gia BofA nhận định: “Đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu hàng đầu cảnh báo sự suy yếu hoặc suy thoái kinh tế trong tương lai gần”. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục