EU: Các đề xuất đánh thuế của Mỹ là “quá đáng”

10/04/2019 08:38 GMT+7
Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng lại việc Mỹ đề xuất tăng thuế đối với hàng hóa châu Âu, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết về vấn đề EU trợ cấp cho Airbus.

Căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ bùng phát hôm thứ Hai sau khi Mỹ cho biết họ đang xem xét áp thêm khoản thuế khoảng 11 tỷ đô la đối với hàng hóa từ Liên minh Châu Âu để đáp trả các khoản viện trợ bất hợp pháp của EU cho Airbus.

Vào năm ngoái, WTO đã nhận định rằng các khoản viện trợ này có “tác động bất lợi” với Mỹ. Quyết định của WTO được đưa ra sau một loạt các vụ kiện tụng kéo dài giữa Mỹ và EU liên quan đến 2 hãng sản xuất máy bay khổng lồ của hai bên.

Cổ phiếu của Airbus giảm hơn 2,3% vào hôm thứ ba sau khi Mỹ đề xuất mức thuế mới. Một phát ngôn viên của hãng này cho rằng Mỹ không có cơ sở pháp lý nào để áp đặt các biện pháp trừng phạt và nói rằng EU đã tuân thủ các phán quyết của WTO.

Mỹ cho rằng EU đã trợ cấp cho Airbus để có lợi thế cạnh tranh.

Ủy ban châu Âu cũng chỉ trích các đề xuất thuế của Mỹ. "EU nhận định rằng mức độ của các biện pháp đối phó này là quá đáng. Mức độ trả đũa liên quan đến phán quyết của WTO phải do trọng tài của WTO chỉ định", người phát ngôn của Ủy ban châu Âu tuyên bố.

Hôm thứ Hai, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết, theo danh sách sơ bộ, họ sẽ áp thuế đối với hàng hóa của EU từ máy bay đến cá, từ các sản phẩm sữa đến ống nhòm, dầu ô liu và rượu vang.

Văn phòng này ước tính "ảnh hưởng từ các khoản trợ cấp của EU với thương mại hàng năm của Mỹ là 11 tỷ đô la" dù số tiền cụ thể thế nào phải do WTO làm trọng tài phán quyết và phải tới mùa hè này mới có thông báo chính thức.

"Vụ kiện này đã kéo dài tới 14 năm và đã đến lúc phải xử lý. Chúng tôi đang chuẩn bị để phản ứng ngay sau khi WTO đưa ra kết luận về các biện pháp đối phó của Mỹ ", Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai vừa rồi.

Trả đũa qua lại

Đến nay, cả hai bên đã kết tội nhau về việc trợ cấp hàng tỷ đô la cho 2 hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus để giành lợi thế trong kinh doanh máy bay toàn cầu.

EU vẫn đang chờ đợi thông tin từ WTO về "quyền trả đũa" của mình sau khi EU phát hiện ra rằng vào năm 2012, Boeing cũng đã nhận được hàng tỷ đô la tiền trợ cấp bất hợp pháp, khiến Airbus phải chịu thiệt hại. Vào tháng 3 vừa rồi, WTO cũng ra phán quyết rằng Mỹ đã không tuân thủ đầy đủ các phán quyết trước đây về việc ngừng tất cả các khoản trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cũng cho biết hôm thứ Ba rằng EU sẵn sàng trả đũa bằng các biện pháp thực tế và lưu ý rằng đối với vấn đề về Boeing, "EU cũng sắp có được quyết định về quyền trả đũa của mình và EU sẽ yêu cầu trọng tài của WTO xác định mức độ trả đũa nhằm đảm bảo quyền lợi của EU".

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ đã áp đặt “tiêu chuẩn kép”. Giám đốc Đầu tư cho công bằng toàn cầu của GAM là Ali Miremadi cho biết đề xuất thuế quan của Mỹ là "khá táo bạo."

"Tôi phải nói rằng việc việc Mỹ - quê hương của Boeing cáo buộc châu Âu trợ cấp cho Airbus là khá táo bạo", ông nói với CNBC vào hôm thứ ba.

"Mọi việc đã được sắp đặt quá hay, Boeing và Airbus chỉ tồn tại theo quyết định của chính phủ hai bên."

Tổng thống Donald Trump đã đăng trên Tweeter vào thứ ba rằng "EU đã lợi dụng thương mại Mỹ trong nhiều năm."

Nhà kinh tế trưởng Paul Donovan thuộc bộ phận quản lý tài sản toàn cầu UBS lưu ý một cách gượng gạo rằng tổng thống Trump đã dễ dàng chấp nhận phán quyết của WTO hơn nhiều so với bình thường.

"WTO phán quyết rằng Airbus đã nhận trợ cấp không công bằng từ EU, trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với quyết định của WTO một cách bất thường," Donovan nói trong một bản tin hàng ngày vào hôm thứ Ba.

"Liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có sẵn sàng chấp nhận phán quyết của WTO về việc Mỹ đã viện trợ không công bằng cho Boeing hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác."

Chiến tranh thương mại

Tình hình trở nên căng thẳng khi mới đây Mỹ lại nhăm nhe tăng mức thuế lên các mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô của châu Âu. Vẫn chưa có quyết định cuối cùng với vấn đề này.

Mỹ hiện đang đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại sau gần một năm hai bên áp thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu của nhau. Châu Âu có thể là nạn nhân tiếp theo phải hứng chịu những biện pháp mạnh.

"Ngay cả khi giải quyết xong vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ sẽ quay sang châu Âu", Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng tại OECD nói với Steve Sedgwick của CNBC tại Hội thảo Ambrosetti ở Ý vào thứ Sáu tuần trước. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi phá bỏ hệ thống dựa trên quy tắc đa chiều về thương mại, chúng ta đang khiến cho thế giới trở nên vô cùng bất ổn trong dài hạn”.

Các nhà chiến lược cảnh báo rằng đây là thời điểm ‘không thể tồi tệ hơn’ nếu EU phải chịu mức thuế mới, khi nền kinh tế và sản xuất công nghiệp của họ đều đang yếu kém.

Thuế quan "vẫn phủ bóng mây đen lên nền kinh tế của châu Âu", Luis Costa, người phụ trách chiến lược ngoại hối CEEMEA của Citibank chia sẻ. "Điều này xảy ra đúng vào thời điểm số lượng đơn đặt hàng các nhà máy của Đức giảm 4 đến 5% và tổng sản lượng vẫn ở mức báo động, một vài chỉ số sản xuất của khu vực vẫn còn nằm trong vùng suy yếu. Vì thế có thể nói rằng chuyện này xảy ra vào đúng thời điểm nhạy cảm".

Quỳnh Diệp - Theo CNBC
Cùng chuyên mục