FAO: Giá lương thực, thực phẩm thế giới cao nhất trong nửa thập kỷ
Đợt tăng giá cuối năm này đã khép lại 365 ngày đầy biến động chỉ số giá lương thực thực phẩm của FAO. Giá lương thực thực phẩm thế giới tăng từ tháng 1-5.2019, sau đó giảm suốt 3 tháng liên tiếp trước khi đảo chiều đi lên trong 4 tháng cuối năm.
Dầu thực vật và đường là những sản phẩm chính đẩy Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO đi lên trong tháng 12/2019, với các mức tăng lần lượt 9,4% và 4,8%. FAO cho biết giá đường tăng là do những người trồng mía ở Brazil dùng nhiều đường hơn để sản xuất Ethanol làm nhiên liệu.
Giá ngũ cốc, vốn là thành phần chính trong chỉ số trên, tăng nhẹ 1,4%, qua đó lấn át phần nào sự sụt giảm trong tháng 11.2019, nhưng vẫn khép lại năm qua ở mức thấp hơn 0,9% so với thời điểm đầu năm. Giá gạo và ngô gần như không biến động so với tháng 11.2019.
Bên cạnh đó, giá các sản phẩm sữa tăng 3,3% trong tháng cuối năm 2019. Trong khi đó, giá thịt lại không biến động so với tháng trước đó.
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm được công bố hàng tháng của FAO được đưa ra dựa trên giá trên toàn thế giới của 23 loại lương thực, thực phẩm bao gồm 73 sản phẩm khác nhau so với mức giá của năm cơ sở.
Thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói
Giá lương thực thực phẩm thì đang tăng cao, trong khi đó, FAO từng ước tính hiện trên thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người. FAO cũng ước tính rằng mỗi năm có 1/3 lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí - tương đương 1,3 tỉ tấn.
Con số này trị giá gần 750 tỉ USD mỗi năm. Nếu cắt giảm được hoàn toàn thất thoát và lãng phí lương thực, chúng ta sẽ có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỏ người.