FED cắt giảm lãi suất: Chứng khoán Mỹ lao dốc, thị trường lo lắng
Phản ứng của thị trường tài chính
Donald Trump rõ ràng không hài lòng với những gì FED vừa thực hiện. Dù việc cắt giảm lãi suất đã diễn ra, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ kể từ cuộc đại suy thoái năm 2008.
Chỉ số USD đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng 0,5% lên mức cao nhất trong hai năm vừa qua. Sự tăng giá đồng USD đã tạo thành áp lực lên thị trường hàng hóa và tiền tệ, đồng thời tác động lớn đến các nhà đầu tư khi những Ngân hàng Trung Ương khác đang tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thực tế về lý thuyết, việc FED cắt giảm lãi suất có thể giúp đồng USD suy yếu đi, nhưng điều này rõ ràng không hiệu quả trong bối cảnh ngân hàng Châu Âu ECB và Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản đang nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn những gì FED thực hiện.
3 chỉ số chứng khoán chính đều chứng kiến mức giảm hơn 1% trong ngày sau khi ông Powell nhận định sự cắt giảm lãi suất này là điều chỉnh giữa chu kỳ, đồng thời không hứa hẹn bất cứ đợt cắt giảm lãi suất nào khác từ nay đến cuối năm.
Giá vàng tương lai vốn đã tăng mạnh lên mức kỷ lục trong 6 năm qua đã giảm sau quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất của FED, sau đó tiếp tục giảm khi chỉ số sức mạnh đồng USD tăng lên.
Các chuyên gia kinh tế nói gì?
Hãy xem những chuyên gia kinh tế nhận định gì sau khi FED tuyên bố cắt giảm lãi suất.
Josh Brown, Giám đốc điều hành của Ritholtz Wealth Management đã so sánh tình cảnh hiện tại với những gì xảy ra hơn 2 thập kỷ trước. “Từ góc độ thị trường, dưới quan điểm một nhà đầu tư, điều đầu tiên tôi nhìn thấy khi Dow Jones giảm sâu 400 điểm là gì? Tôi đã xem xét các cổ phiếu tăng trưởng mạnh hồi tuần trước sau công bố báo cáo doanh thu. Rất nhiều công ty lớn cho thấy mức lợi nhuận khả quan, nhưng cổ phiếu không phản ánh tất cả. Nó chỉ đơn giản là một chỉ số mà thôi. Powell đã khẳng định sự cắt giảm lãi suất là sự điều chỉnh giữa chu kỳ. Tức là nó có thể diễn ra một lần hoặc nhiều hơn thế. Ông ta mang đến cả hai khả năng, đó là những gì ông ta nên làm.
Chúng ta chưa có trong tay những dữ liệu kinh tế trong tháng 10, vậy tại sao Powell phải báo trước động thái của FED? Ông ta đã nói những gì ông ta có thể làm, vô cùng hợp lý.
Điều cuối cùng tôi muốn chỉ ra, là một tiền lệ từ năm 1995. Cựu chủ tịch FED Greenspan đã thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất trong thời điểm đó, sự cắt giảm nhỏ giọt tương tự như những gì Powell đang làm. Sau đó, nước Mỹ đã có thêm 4 năm liền tăng trưởng kinh tế. Vậy tại sao Powell phải dự báo trước hành động của FED? Tại sao chúng ta phải có câu trả lời ngay trong hôm nay?”
Chiến lược gia thị trường David Zervos từ Jefferies nhận định. “Thị trường có lẽ không muốn thừa nhận, nhưng họ đã đi quá xa, họ kỳ vọng quá nhiều. Và Jerome Powell đã làm đúng một điều, anh ấy làm rõ về tình hình hiện nay. Powell không phải một người phát ngôn tuyệt vời. Thỉnh thoảng, anh ấy đưa ra những nhận xét trái ngược. Nhưng hiệu quả của nó rất tốt. Thị trường đúng là đã giảm kỳ vọng, trở lại với thực tế”.
Art Cashin, giám đốc điều hành của UBS Financial Services thì cho rằng: “Trước mắt, có hai quan điểm bất đồng. Một số đề nghị không cắt giảm lãi suất, một số đề nghị cắt giảm lãi suất 0,5%. Thị trường đã tỏ ra e dè. Đáp lại tất cả, FED quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% và Powell thì chỉ ra đây là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ, chứ không phải khởi đầu cho chuỗi cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. Và thế là thị trường thất vọng, Dow Jones tụt 400 điểm. Dù Powell bỏ ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất, thị trường vẫn không thấy một cam kết chắc chắn như họ mong đợi. Sự suy giảm các chỉ số chứng khoán chính đang phản ánh nỗi lo lắng của các nhà đầu tư”.
Còn David Kelly, chiến lược gia toàn cầu từ J.P. Morgan Asset Management lại nhận định về bản chất của đợt cắt giảm lãi suất 0,25% này. “Đây không phải một điều tiêu cực. Tôi nghĩ rằng cắt giảm 0,25% không phải điều tôi kỳ vọng, nhưng tôi vẫn cảm thấy hài lòng. Việc báo trước khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo có thể sẽ không kích thích nền kinh tế như thị trường mong đợi, mà chỉ đẩy giá tiêu dùng lên cao. Rất nhiều ví dụ cho thấy việc cắt giảm lãi suất không đúng lúc sẽ mang đến những hiệu ứng tiêu cực”.
Chiến lược gia trưởng của BNY Mellon, bà Alicia Levine thì cho rằng FED nền làm nhiều hơn thế. “Họ nên cắt giảm 0,5% lãi suất vào hôm nay, vì những lý do mà chúng ta đã thảo luận trước đó. Nền kinh tế đang đối diện những vấn đề liên quan đến lạm phát, đồng USD mạnh. Chính sức mạnh của đồng USD sẽ quay trở lại làm suy yếu kinh tế Mỹ và làm tổn thương các doanh nghiệp trong nước. Trường hợp này tương tự như lần cắt giảm lãi suất năm 1998, tức là nền kinh tế đang ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp và chi tiêu tiêu dùng cao. Tiêu dùng chiếm 70% động lực nền kinh tế, do đó rủi ro lớn nhất sẽ nằm ở phần này. Tất nhiên, cắt giảm lãi suất biên độ lớn có nguy cơ gây ra rủi ro bong bóng, nhưng nền kinh tế đang trong một giai đoạn nhạy cảm.”
Christopher Smart, CEO Barings Investment Institute thì nhận định, nếu Powell báo hiệu những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo hoặc tỷ lệ cắt giảm sâu hơn, ông có thể khiến thị trường lo lắng về dấu hiệu nền kinh tế suy yếu nhiều hơn so với dự kiến.