FED gợi ý cắt giảm lãi suất: Thị trường chớ vội ăn mừng!
Nội bộ FED chia rẽ xoay quanh cắt giảm lãi suất
Việc Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh các rủi ro kinh tế toàn cầu nhằm ám chỉ một đợt cắt giảm lãi suất của FED trong tháng 7 đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ, ít nhất là các nhà đầu tư kỳ vọng như vậy.
Nhưng trong nội bộ FED, tình hình khá căng thẳng với những luồng ý kiến trái chiều xung quanh việc cắt giảm lãi suất. FED dường như đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, một số thành viên dẫn đầu là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Jerome Powell và Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis James Bullard bị tác động bởi các dữ liệu giảm tốc của nền kinh tế và lạm phát dao động dưới mức mục tiêu 2%. Số khác gồm Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic hay Chủ tịch FED chi nhánh Richmond Thomas Barkin khẳng định kinh tế Mỹ hiện chưa cần đến cú hích để duy trì tăng trưởng.
Nhiều quan chức FED không tán thành với quan điểm cắt giảm lãi suất của ông Jerome Powell
Ông Raphael Bostic nhận định: “Chúng tôi chưa thấy đám mây nào có thể tạo ra một cơn bão thực sự trong nền kinh tế Mỹ.” Ông tỏ ra hoài nghi sự cần thiết của một chính sách tiền tệ nới lỏng vào lúc này. “Các doanh nghiệp cũng khẳng định nền kinh tế vẫn vận hành mạnh mẽ như trước”.
Còn ông Thomas Barkin cho hay: “Tuần trước, tôi đã trò chuyện với những lãnh đạo các tập đoàn kinh doanh. Họ không có dấu hiệu đầu hàng, không cắt giảm việc làm hay các khoản đầu tư, không gì cả. Họ chỉ tỏ ra thận trọng hơn”.
Về phía mình, ông Powell chỉ ra rằng niềm tin thị trường đã bị giảm sút nghiêm trọng sau những lần Tổng thống Trump đe dọa áp lệnh trừng phạt thuế quan với hàng nhập khẩu từ Mexico, Trung Quốc hay EU. Tuy sau đó, thuế quan với Mexico đã bị đình chỉ, thuế quan với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bổ sung cũng hoãn lại, nhưng đó rõ ràng là “một cú sốc niềm tin”.
Ủng hộ quan điểm của ông Powell, chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams đã viện dẫn những bất ổn thương mại và rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu do các cuộc xung đột thương mại. Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari thậm chí đồng thuận cắt giảm lãi suất tới 0,5%.
Cả Thomas Barkin và Raphael Bostic đều không có ghế trong Ủy ban thiết lập lãi suất của FED, nhưng họ sẽ tham gia các phiên tranh luận khi FED họp cuối tháng này để quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo. Ông Bostic vẫn duy trì quan điểm dữ liệu lạm phát dao động dưới 2% hiện nay không đáng lo ngại như thị trường tưởng tượng, và sự tăng trưởng việc làm cùng tỷ lệ thất nghiệp 3,7% gần tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử là những dấu hiệu rõ ràng của triển vọng kinh tế ổn định.
Thị trường đang định giá cơ hội 100% cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Với những phát biểu tại 2 phiên điều trần vừa qua, Chủ tịch FED đã tự buộc mình vào một tuyên bố gần như chắc chắn cắt giảm lãi suất. Không gì có thể làm sụp đổ sự kỳ vọng của các nhà đầu tư lúc này.
Chủ tịch FED đang nghĩ gì?
Dù luôn miệng nhấn mạnh những dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng và rủi ro suy thoái, điều ông Jerome Powell thực sự lo có lẽ không nằm ở bản thân nền kinh tế. Bởi tăng trưởng việc làm tháng 6 đã vượt kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại, cổ phiếu thì ở mức cao kỷ lục.
Không, điều ông Powell quan ngại hơn là chính sách thuế quan và cách cư xử của Tổng thống Trump trong mối quan hệ thương mại quốc tế. Trong khi con đường đi đến một thỏa thuận với Bắc Kinh chưa có gì rõ ràng, Trump đã khởi động xung đột trên mặt trận EU. Những tác động khổng lồ của các lệnh trừng phạt thuế quan và phi thuế quan với nông dân, nhà sản xuất, các tập đoàn Mỹ... mới là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế Mỹ lúc này.
Đó có thể là động lực chính đưa Powell đến quyết định cắt giảm lãi suất, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Jeffry Bartash đến từ MarketWatch.
Thị trường nên thận trọng!
Việc Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt cắt giảm lãi suất dường như lại là một tin xấu, với nhiều nhà phân tích kinh tế.
Hôm 10.7, màn điều trần của ông Powell đã đưa chứng khoán Mỹ thiết lập những kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Chỉ số S&P xuyên ngưỡng 3.000. Nhiều người còn tin tưởng lãi suất sẽ giảm tới 0.5% thay vì 0.25%.
Một số nhà phân tích từ CNN chỉ ra mức đỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ không được tạo nên bởi tăng trưởng, mà bởi sự tuyệt vọng. Thực chất là các chỉ số đầu tư và sản xuất của Mỹ đang cho thấy sự giảm tốc. Và việc FED chịu nới lỏng chính sách tiền tệ đã thể hiện sự khuất phục trước khả năng tự hồi phục của nền kinh tế. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư nên thận trọng thay vì ăn mừng.
Tăng trưởng việc làm Mỹ tháng 6 vượt kỳ vọng, nhưng vẫn kém xa so với cùng kỳ năm ngoái
Các chuyên gia phân tích cảnh báo: không một dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn tăng trưởng, ngay cả khi S&P 500 xuyên ngưỡng 3.000. Sự giảm tốc trong thị trường việc làm như hiện nay thường xảy ra vào cuối chu kỳ mở rộng của nền kinh tế.
Thị trường hân hoan trước tín hiệu cắt giảm lãi suất từ ông Powell, nhưng lại phớt lờ thông điệp sâu sắc của Chủ tịch FED về việc tăng trưởng đang suy giảm.
FED rõ ràng đã không đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% như kỳ vọng. Nợ công của Mỹ lên mức 105% so với GDP, gấp đôi Trung Quốc, mức cao nhất từ trước đến nay. Mỹ còn đang thâm hụt hàng nghìn tỷ USD do ảnh hưởng của cuộc xung đột thương mại kéo dài hơn 1 năm với Trung Quốc. Một mức lãi suất thấp hơn lúc này là điều cần thiết để kích thích tín dụng, duy trì ảo tưởng tăng trưởng kinh tế.
Một khi chính sách tiền tệ lỏng lẻo của FED bơm ra thị trường một lượng lớn "easy money", có khả năng gây ra sự bùng nổ của vay nợ. Có một điều dễ nhận thấy trong lịch sử, mỗi lần FED cắt giảm lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp ở dưới 4%, một cuộc suy thoái kinh tế sẽ sớm diễn ra trên phạm vi toàn nền kinh tế.