Gần 200 chợ truyền thống ở TP.HCM hoạt động trở lại, thị trường hàng hóa các tỉnh phía Nam tiếp tục ổn định

19/12/2021 07:20 GMT+7
Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tính đến ngày 17/12, TP.HCM đã có 199/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 85,4%.

Những ngày qua, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Gần 200 chợ truyền thống ở TP.HCM hoạt động trở lại, thị trường hàng hóa các tỉnh phía Nam tiếp tục ổn định - Ảnh 1.

Tính đến ngày 17/12, TP.HCM đã có 199/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 85,4%. Ảnh: CT

Tính đến ngày 17/12, trên địa bàn TP.HCM đã có 199/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 85,4%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 16/12 và sáng 17/12 tăng 2,8% so với hôm trước, ước đạt 9.139,1 tấn/ngày, trong đó: Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 16/12 ước đạt 1.355 tấn/ngày. Các doanh nghiệp ình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại). Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 17/12 tăng 5,8% so với ngày 16/12, ước đạt 4.171,2 tấn/đêm. 

Tại tỉnh Bình Dương: Tính đến ngày 17/12/2021, trên địa bàn tỉnh hiện có 74/97 chợ truyền thống (đạt 76,2%), 11/11 siêu thị (đạt 100%), 221/221 cửa hàng tiện lợi (đạt 100%) còn hoạt động. Hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Theo đó, tổng giá trị hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường trong năm 2022 ước khoảng 5.576 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch), riêng trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 khoảng 2.042 tỷ đồng.

Tại tỉnh Vĩnh Long: Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 siêu thị, 01 trung tâm thương mại, 51 cửa hàng tiện lợi và 113/115 chợ đang hoạt động (đạt 97,6%), hiện chỉ có 03 chợ đang tạm dừng hoạt động. Các hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn chủ động duy trì dự trữ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường dịp Tết năm 2022. 

Tổng lượng đơn hàng (bao gồm cả hình thức bán trực tiếp và đặt hàng qua điện thoại, online, giao hàng tận nơi cho khách hàng) tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ước khoảng 4.272 đơn/ngày. Giá cả hàng hóa ổn định, không biến động; không có hiện tượng thu gom hàng hóa, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Cũng theo Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tại các tỉnh, thành phía Nam khác nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục