Giá cao su hôm nay 25/6: Giá mủ cao su trong nước giảm nhẹ, tỉnh nào giá thấp nhất?
Giá cao su hôm nay 25/6: Giá cao su kỳ hạn trên Sàn SHFE tăng 1%
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 6/2022 ghi nhận mức không đổi là 270 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 14h36 (giờ Việt Nam). Các kỳ hạn cao su tháng 8, 9, 10 giảm nhẹ.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2022 tăng lên mức 12.730 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,59%, tăng 75 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tiếp tục tăng ở các kỳ hạn tháng 8, 9, 10, 11 ở mức gần 1%.
Trong 10 ngày giữa tháng 6/2022, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước giảm nhẹ. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 300-335 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 335-337 đồng/TSC, giảm 3-5 đồng/ TSC so với 10 ngày trước đó. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 300-310 đồng/TSC, giảm nhẹ so với 10 ngày trước đó. Như vậy, hai tỉnh Bình Phước và Gia Lai đang có giá mủ cao su ở mức thấp nhất.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 13,72 nghìn tấn, trị giá 25,53 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.860 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR10 được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất, chiếm 25,3% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Đứng thứ 2 là chủng loại RSS3 chiếm 24,4% và thứ ba là Latex chiếm 22,4% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022.
Về giá xuất khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân phần lớn các chủng loại cao su sang Thổ Nhĩ Kỳ đều giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giảm mạnh nhất là RSS3 giảm 8,6%; Latex giảm 5%; SVR CV60 giảm 7,5%... Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Thổ Nhĩ Kỳ lại tăng như SVR10 tăng 5,9%, SVR20 tăng 8,6%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 6, giá cao su tại các sàn châu Á giảm mạnh.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần vào ngày 16/6 ở mức 248,8 Yên/kg, sau đó giá tăng trở lại vào ngày 17/6, nhưng so với 10 ngày trước đó giá vẫn giảm nhẹ.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su giảm do nhu cầu yếu. Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên liên tục giảm mạnh. Ngày 17/6 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 69 Baht/kg, tương đương 1,95 USD/kg, giảm gần 5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên tại nước này. Doanh số bán ôtô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 463.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), trị giá 900 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 4,4% về trị giá so với tháng 5/2021.