Giá dầu vẫn còn dư địa tăng
Việc Mỹ loại bỏ miễn trừ cho dầu Iran có thể sẽ khiến thị trường thiếu hụt 0,5-1 triệu thùng mỗi ngày.
Theo một khảo sát của hãng Reuters, các nhà kinh tế đã tăng dự báo cho dầu thô nhẹ của Mỹ (dầu WTI) lên mức trung bình 60,23 USD/thùng vào năm 2019 từ dự báo 58,92 USD/thùng hồi tháng 3. Đây là lần điều chỉnh tăng dự báo thứ hai và tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Khảo sát dựa trên thăm dò ý kiến của 31 nhà kinh tế do Reuters thực hiện hàng. Theo đó dự báo giá dầu có khả năng duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm do sự kiềm chế sản lượng của OPEC và chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với nhập khẩu dầu từ Iran.
Với dầu thô Brent, các chuyên gia dự báo trung bình 68,57 USD/thùng vào năm 2019, tăng nhẹ so với kết quả thăm dò tháng 3 là 67,12 USD/thùng.
Phần lớn các nhà phân tích được hỏi đều dự kiến việc cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ được kéo dài đến cuối năm nay, mặc dù OPEC cũng sẽ tăng sản lượng để bù cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran và Venezuela. Frank Schallenberger, người đứng đầu nhóm nghiên cứu hàng hóa tại LBBW nhận định việc Mỹ loại bỏ miễn trừ cho dầu Iran có thể sẽ khiến thị trường thiếu hụt 0,5-1 triệu thùng mỗi ngày.
Từ đầu năm đến nay giá dầu đã tăng khoảng 40% do thỏa thuận cắt giảm của OPEC và các nhà sản xuất hàng đầu khác để kiềm chế sản lượng. Tuy nhiên nếu OPEC không dự đoán chính xác mức thiếu hụt sản lượng ở các nhà khai thác khác, vẫn có khả năng giá còn tăng cao hơn.
Harry Tchilinguirian, chiến lược gia của BNP Paribas, cho rằng có nguy cơ thực sự về việc thắt chặt nguồn cung quá mức nếu các đồng minh của OPEC và NOPEC do Nga dẫn đầu không bù được cho sản lượng thiếu hụt ngoài dự kiến ở Iran và Venezuela, và vẫn quyết định duy trì mức cắt giảm hiện trong cuộc họp tại Vienna vào tháng Sáu tới.
Trong 10 tuần qua, các quỹ phòng hộ đã điên cuồng tích lũy các hợp đồng tương lai dầu mỏ với giả định giá dầu sẽ còn tăng.
Mỹ đã gây áp lực cho OPEC tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung giảm từ Iran và Venezuela. Thậm chí chính Mỹ cũng có khả năng sẽ tăng sản lượng. Nhà phân tích Caroline Bain của hãng Capital Economics cho rằng việc loại bỏ vướng mắc về logistic và mức giá cao có khả năng khuyến khích các nhà sản xuất dầu của Mỹ tăng sản lượng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), sản lượng dầu thô của từ 7 nhà sản xuất dầu đá phiến chính tại Mỹ có khả năng tăng lên 8,46 triệu thùng một ngày vào tháng 5. Điều này có khả năng tạo áp lực làm giảm giá dầu Brent từ 70 USD/thùng trong quý 2 và quý 3/2019 xuống khoảng 69 USD/thùng vào cuối năm.
Tuy vậy kịch bản giá dầu tăng vẫn có thể bị đảo lộn bởi sự phá rối của các quỹ phòng hộ. Trong 10 tuần qua, các quỹ phòng hộ đã điên cuồng tích lũy các hợp đồng tương lai dầu mỏ dựa trên khả năng OPEC cắt giảm sản lượng quá tay, nguồn cung từ Venezuela cạn kiệ và tình hình tại Libya tiếp tục xấu đi cũng như nhu cầu dầu thế giới tiếp tục không giảm. Mặc dù các yếu tố này vẫn còn hiệu lực cho đến thời điểm hiện tại, các vị thế mua (Long) đối với dầu WTI và Brent đang quá lớn, làm tăng nguy cơ sụp đổ nếu giá dầu bắt đầu giảm hoặc một số quỹ đầu cơ bắt đầu có lãi.
Theo số liệu của John Kemp, nhà phân tích thị trường của Reuters, tính đến ngày 23/4, các vị thế mua (Long) đối với hai loại dầu này do các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền khác nắm giữ đã vượt trội với tỷ lệ 11: 1. Lần cuối cùng quy mô vị thế lớn như vậy là vào tháng 10/2018 gần sát thời điểm giá dầu bắt đầu giảm và đến cuối năm đã rớt tới 40%.